Tháo gỡ khó khăn cho công nhân và doanh nghiệp

14/09/2018 09:00

Trước buổi tiếp xúc, đối thoại của các đồng chí lãnh đạo tỉnh diễn ra sáng 16.9, phóng viên Báo Hải Dương đã ghi nhận được nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các chủ doanh nghiệp, công nhân, lao động.


Vợ chồng anh Bản, chị Huê giống như nhiều công nhân đi ở trọ mong muốn được hỗ trợ về nhà ở phù hợp với mức thu nhập

Sáng 16.9, tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh, các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp xúc, đối thoại với công nhân, lao động và chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để công nhân, lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, doanh nghiệp đề xuất ý kiến để các đồng chí lãnh đạo tỉnh nắm bắt, chỉ đạo giải quyết. 

Mong có nhà ở, nhà gửi trẻ

Hải Dương hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 270.000 công nhân, lao động. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đời sống công nhân đã có nhiều cải thiện nhưng với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng, họ vẫn còn nhiều khó khăn. 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bản và chị Phan Thị Huê làm công nhân Công ty TNHH Samil Hà Nội Vina (TP Hải Dương). Anh chị đã có 2 con, một bé 3 tuổi gửi về quê ở Thanh Hà nhờ ông bà ngoại chăm sóc, một bé 6 tháng tuổi. Dù đã hết thời gian thai sản nhưng chị Huê đành phải nghỉ làm không lương vì chưa tìm được nơi gửi con. Căn nhà trọ của vợ chồng chị cũ kỹ, rộng chưa đầy 20 m2, mái lợp phi brô xi măng. Mọi đồ dùng thiết yếu đều đơn giản hết sức có thể. Anh Bản cho biết: "Quê tôi ở Thái Bình. 2 vợ chồng một chốn đôi quê nên chỉ mong có điều kiện an cư lạc nghiệp. Công việc cũng coi là tạm ổn nên tôi chỉ mong được hỗ trợ về nhà ở phù hợp với mức thu nhập của 2 vợ chồng để không phải đi ở trọ thiếu thốn như thế này".

Vợ chồng anh Bản còn có một nỗi lo khác là tìm chỗ gửi con. Đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều công nhân, nhất là những người xa quê, bởi Hải Dương chưa có nhà trẻ trong khu công nghiệp. Trong khi đó, công nhân là lực lượng lao động trẻ, chủ yếu trong độ tuổi sinh sản. Không còn cách nào khác, nhiều gia đình chỉ có cách gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc hoặc gửi ở những điểm trông trẻ tư nhân với giá cao. Chị Phạm Thị Hồng Nhung, công nhân Công ty TNHH một thành viên Masan HD (khu công nghiệp Đại An) đang trọ tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương) than thở: "Năm nay con tôi đã 3 tuổi. Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân nên không thể đưa đón con đúng giờ đi học. Tôi không có điều kiện gửi con về quê nên những hôm làm ca đành phải thuê người đón. Giá như có một nhà trẻ nào đó gần khu công nghiệp nhận con tôi vào học theo đúng thời gian làm việc thì tốt biết bao. Tôi vẫn muốn sinh thêm con nhưng nếu cứ như thế này thì không biết làm có đủ tiền trang trải hay không?".

Bảo đảm công việc, chế độ

Về phía doanh nghiệp cũng có những khó khăn cần được tháo gỡ. Ông Đỗ Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Văn hóa Đỗ Gia (TP Hải Dương) mong muốn cơ quan chức năng cần kịp thời phổ biến những chính sách pháp luật mới cho doanh nghiệp. Bởi cán bộ doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, ít có thời gian tiếp cận với những chính sách mới. Cần có cơ chế mở với từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ví dụ như công ty của ông Cảnh rất cần hỗ trợ về mức lãi suất vay vốn, tiền thuê đất. Do đặc thù nên có thời điểm lợi nhuận thu về không thể tương ứng với mức lãi suất vốn vay khiến công ty gặp không ít khó khăn trong tạo công ăn việc làm, thực hiện và chi trả các chế độ cho người lao động.

Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Để tổ chức hoạt động hiệu quả, ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh kiến nghị cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực liên quan đến người lao động, đặc biệt là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hiện việc thực hiện của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế và chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối thoại của chủ doanh nghiệp và có thể đưa việc này là một tiêu chí cứng để thanh tra, kiểm tra. Đây chính là nòng cốt để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, bảo đảm nhiều chế độ về việc làm cũng như đời sống người lao động. 

Khu dân cư 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) hiện có hơn 300 công nhân, lao động thuê trọ. Ông Bùi Văn Lân, Trưởng khu cho biết có thời điểm có đến cả nghìn công nhân thuê trọ trên địa bàn. Qua nắm bắt tâm tư, tình hình công nhân ở trọ ông thấy nổi lên rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống công nhân cần được quan tâm tháo gỡ. Nhiều công nhân cho biết khi nghỉ việc hoặc nghỉ thai sản họ mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Chế độ ăn ca của công nhân cũng còn nhiều hạn chế, đôi khi chất lượng bữa ăn chưa tương xứng với giá trị doanh nghiệp chi trả. Chế độ phúc lợi khi làm thêm giờ của công nhân chưa bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Cá biệt có doanh nghiệp vẫn giữ thẻ bảo hiểm y tế của công nhân nhằm đề phòng trường hợp công nhân giả ốm đi khám bệnh...

Các ý kiến đều mong rằng tại buổi đối thoại lần này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao đời sống công nhân, người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

THANH NGA

(0) Bình luận
Tháo gỡ khó khăn cho công nhân và doanh nghiệp