Quản lý lao động người nước ngoài: Nhiều hạn chế

11/08/2019 09:50

Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn lao động người nước ngoài làm việc, tiềm ẩn nhiều phức tạp. Công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm đối với bộ phận này còn gặp không ít khó khăn.

Nhiều hàng quán bán cho người Trung Quốc mọc lên ở gần cổng Dự án nhiệt điện BOT Hải Dương

Cơ sở bị động

Kinh Môn là một trong những địa phương có nhiều lao động người nước ngoài (NNN) đang làm việc. Hiện toàn huyện có 10 doanh nghiệp sử dụng khoảng 650 lao động NNN. Tại Dự án nhiệt điện BOT Hải Dương ở xã Phúc Thành thường xuyên có hàng trăm lao động người Trung Quốc làm việc. Kể từ khi dự án triển khai, hàng chục cửa hàng mọc lên ở khu vực cổng nhà máy. Từ các nhà hàng ăn uống đến dịch vụ karaoke, mát xa đều treo thêm các biển hiệu phụ đề tiếng Trung Quốc để mời chào khách hàng. Buổi tối, hàng trăm người Trung Quốc từ công trường thi công ra ngoài ăn uống, giải trí. Theo tìm hiểu, các đơn vị thi công quản lý, bố trí cho công nhân ăn nghỉ ở ký túc ngay bên trong dự án. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự tại địa phương khá ổn định, chưa xảy ra những vụ việc phạm pháp nghiêm trọng liên quan đến lao động NNN. Tuy nhiên, tại đây vẫn có tình trạng các công nhân Trung Quốc vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe. Vì bất đồng ngôn ngữ nên việc lập biên bản, xử phạt những trường hợp này không dễ. Cách đây hơn 2 tháng đã có 2 lao động Trung Quốc làm việc tại dự án trên sau khi uống rượu đi xe máy tự gây tai nạn, 1 người chết, 1 người bị thương.

Số lượng lao động NNN tại Dự án nhiệt điện BOT Hải Dương thường xuyên biến động do có nhiều nhà thầu thi công từng hạng mục, công trình khác nhau. Việc nắm bắt tình hình, thông tin về lao động NNN gặp khó khăn và khá bị động, nhất là đối với chính quyền địa phương. Trưởng Công an xã Phúc Thành Chu Văn Chiến cho biết: “Hiện chúng tôi nắm tình hình số lượng lao động NNN chủ yếu qua hệ thống khai báo tạm trú trực tuyến. Vì công an cấp xã không có thẩm quyền nên rất khó tiếp cận, nắm tình hình thực tế, cụ thể của các lao động NNN bên trong doanh nghiệp”.

Lao động không phép

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30.6, trên bàn tỉnh có 446 doanh nghiệp sử dụng 2.948 lao động là NNN, trong đó có 2.001 lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành tốt vẫn có nhiều đơn vị, nhà thầu cố tình không chấp hành các quy định liên quan đến việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động (GPLĐ). Một số nhà thầu sử dụng phần lớn lao động NNN với thời hạn dưới 3 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục đề nghị cấp GPLĐ hoặc xác nhận đối tượng không thuộc diện cấp GPLĐ. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp sử dụng 389 NNN chưa được cấp GPLĐ với tổng số tiền phạt 360 triệu đồng. Các doanh nghiệp bị xử phạt là Công ty Hữu hạn công trình xây dựng điện lực An Huy1, Công ty Hữu hạn công trình xây dựng điện lực An Huy 2 (Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc) và Công ty TNHH Twins Hải Dương.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử phạt hành chính 10 NNN vi phạm các quy định trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Những trường hợp bị xử lý, yêu cầu xuất cảnh, trục xuất cũng chủ yếu là lao động NNN làm việc tại Hải Dương không có GPLĐ hoặc sử dụng GPLĐ hết hạn. Tuy nhiên, việc áp hình thức trục xuất lao động NNN vi phạm hành chính hiện cũng rất khó khăn. Khi áp dụng hình thức trục xuất, cơ quan công an phải có nhà tạm giữ người vi phạm, có kinh phí bảo đảm cho việc tạm giữ, phương tiện xuất cảnh cho người bị trục xuất... Do không có đủ điều kiện, kinh phí nên vẫn chưa thể áp dụng biện pháp trục xuất đối với NNN có vi phạm. Đối với những trường hợp này, cơ quan công an thường xem xét rút ngắn thời hạn tạm trú, phối hợp yêu cầu NNN vi phạm xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trung tá Phạm Đức Tài, Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) cho biết: “Để làm tốt hơn công tác quản lý NNN và lao động NNN trên địa bàn tỉnh, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong trao đổi thông tin về NNN để quản lý hiệu quả hơn. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp của UBND tỉnh trong quản lý NNN cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh”.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý lao động người nước ngoài: Nhiều hạn chế