"Phao cứu sinh" cho người lao động

24/05/2020 05:04

Trong thời gian nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, số tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp nhiều người lao động trang trải cuộc sống, giảm bớt khó khăn.

Số người đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tăng cao trong những ngày gần đây

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người lao động mất việc làm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng giảm. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp giống như "phao cứu sinh" cho người lao động trong bối cảnh khó khăn này.

Chỗ dựa an toàn

Hơn 1 tháng trước, chị Bùi Thị Hải ở phường Hoàng Tân (Chí Linh) nghỉ việc tại Công ty CP Đại Việt Cổ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không bảo đảm được việc làm cho người lao động (NLĐ). Mất việc, chị Hải lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. 3 con còn nhỏ đang tuổi ăn học. Chị Hải đã mang hồ sơ đi xin việc ở không dưới 10doanh nghiệp. Có thâm niên 9 năm làm nghề may nhưng vì mong muốn có việc làm chị còn nộp hồ sơ vào một số công ty lắp ráp linh kiện điện tử. Nhưng đến đâu chị cũng không được nhận với lý do đợt này sản xuất bị ngưng trệ, doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng thêm người.

Trong lúc đi xin việc, chị Hải kết hợp hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Ngày 15.4 vừa qua, chị đã nhận được quyết định TCTN của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, chị được hưởng TCTN trong vòng 8 tháng, với mức hơn 2,4 triệu đồng/tháng. "Số tiền TCTN là nguồn thu nhập duy nhất của tôi trong lúc này. Nếu bù vào với thu nhập của chồng, tiết kiệm một chút cũng đủ chi dùng cho cuộc sống hằng ngày của gia đình tôi. Nó càng có ý nghĩa hơn nếu như trong thời gian tới tôi vẫn không xin được việc làm", chị Hải chia sẻ.

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động có chỗ dựa khi không có việc làm. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Summit JC Vina (Bình Giang) trong giờ làm việc

Ngày 17.4, chị Nguyễn Thị Tươi ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) nhận được quyết định hưởng TCTN với mức hơn 2,4 triệu đồng/tháng trong vòng 4 tháng. Chị Tươi cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty nơi tôi làm ít việc, mọi người đều phải nghỉ luân phiên. Bộ phận tôi làm không còn hàng, tôi và nhiều người phải nghỉ việc. Ở địa phương cũng không có công ty nào trưng biển tuyển dụng trong đợt này. Không có việc, tôi đã làm hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Số tiền hưởng cũng đủ giúp tôi trang trải cuộc sống qua ngày, giảm bớt khó khăn trong khi không có việc làm".

Trong 4 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương nhận 3.296 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tăng hơn 1.000hồ sơ so với cùng kỳ năm 2019), tổng số tiền chi TCTN theo quyết định là hơn 31,1 tỷ đồng. Những ngày tháng 5 này, số hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng. Chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 5, trung tâm tiếp nhận 1.222 hồ sơ đề nghị hưởng. So với cả tháng 5.2019, con số này chỉ kém 235 hồ sơ. Điều này cho thấy dịch Covid-19 là nguyên nhân không nhỏ khiến tỷ lệ người đăng ký hưởng TCTN tăng cao. Số tiền hưởng TCTN càng ý nghĩa với NLĐ khi họ cũng gặp nhiều khó khăn trong lúc tìm kiếm việc làm.

Tạo thuận lợi 

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội. Để chính sách này có hiệu quả, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa nhiều đến việc làm của NLĐ như hiện nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm quyền lợi cho NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bà Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cho biết gần đây mỗi ngày trung tâm luôn đón hàng trăm người đến làm các thủ tục liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Có sáng thứ hai đầu tuần, trung tâm đón khoảng 750 người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, nhận quyết định hưởng TCTN và khai báo thông tin tìm kiếm việc làm. Lượng người đến đông nhưng trung tâm vẫn bảo đảm đầy đủ các bước phòng chống dịch Covid-19 như yêu cầu NLĐ đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... Trung tâm huy động tất cả cán bộ, nhân viên tham gia tiếp nhận giải quyết công việc và hướng dẫn NLĐ. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, trung tâm đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, nhận thông báo tìm kiếm việc làm qua dịch vụ bưu chính công. Điều này giúp bảo đảm phòng chống dịch, không để gián đoạn việc giải quyết chế độ cho NLĐ. Trung tâm cũng tăng cường tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của NLĐ qua tổng đài riêng. Một thuận lợi nữa là khi NLĐ nhận quyết định hưởng TCTN sẽ đồng thời nhận thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện trung tâm đẩy mạnh thu thập thông tin về thị trường lao động. Qua đó nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống nhằm kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Dịp này, chị Tô Thị Huyền ở xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) cũng phải nghỉ việc ở một doanh nghiệp may do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giữa tháng 5, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Chị Huyền cho biết: "Do không hiểu kỹ về hồ sơ đề nghị nên tôi làm bị thiếu một số giấy tờ. Cán bộ trung tâm đã hướng dẫn tận tình, giúp tôi bổ sung những giấy tờ còn thiếu. Lần này quay lại tôi đã hoàn thiện được hồ sơ, chờ nhận quyết định".

THANH NGA

Theo quy định tại điều 50 Luật Việc làm 2013, NLĐ đủ điều kiện hưởng TCTN sẽ được hưởng trợ cấp với mức như sau: Mức trợ cấp hằng tháng = 60% nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong đó, thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp: cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12tháng. Mức hưởng TCTN tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Phao cứu sinh" cho người lao động