Nhiều lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài

12/12/2019 12:34

Sáng 12.12, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với phiên thảo luận tại hội trường.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Khan hiếm lao động phổ thông

Làm rõ về tình hình lao động trên địa bàn tỉnh, đồng chí Vũ Hồng Khiêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.700 lao động ở tất cả các khu vực, vượt 0,6% kế hoạch đề ra. Trong đó, hơn 25.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp, số còn lại làm ở các khu vực khác, xuất khẩu lao động...

Việc xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn do tình trạng người lao động trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp. Theo thống kê, hiện có 840 lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Năm 2019, toàn tỉnh có 3 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ; các TP Hải Dương, Chí Linh có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp, bị Bộ LĐTBXH dừng không cho tuyển đi lao động ở Hàn Quốc.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh có nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động gia đình người lao động gọi người thân chấp hành nghiêm hợp đồng lao động; yêu cầu các doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu lao động thu tiền đặt cọc của người lao động; thông báo rộng rãi những người trốn ở lại, niêm yết tại huyện, xã, qua hệ thống truyền thanh... 


 Đồng chí Vũ Hồng Khiêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh để tìm nguồn lao động phổ thông cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh

"Từng người lao động, từng gia đình có người đi xuất khẩu lao động cần tuân thủ quy định chung về lao động. Các cấp, các ngành, các địa phương, các gia đình vận động, tuyên truyền tới người lao động", Giám đốc Sở LĐTBXH đề nghị nhưng cũng thừa nhận khó khăn nhất hiện nay là chưa có chế tài xử lý các đối tượng này.

Lý giải ý kiến của nhiều doanh nghiệp về nguồn cung lao động trong tỉnh khan hiếm, đồng chí Vũ Hồng Khiêm thừa nhận có tình trạng này và cho biết trên địa bàn tỉnh đang gần 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhu cầu lao động rất lớn. Trong khi có tới 97% số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông thì hầu hết số lượng lao động này trong tỉnh đều có việc làm. 

"Chỉ tính riêng Công ty TNHH May Tinh Lợi đã sử dụng đến gần 25.000 lao động. Do vậy, nguồn cung lao động phổ thông cho các doanh nghiệp trong tỉnh đang là bài toán khó", đồng chí Vũ Hồng Khiêm nói. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã có nhiều giải pháp như tìm kiếm các địa phương có nguồn lao động dồi dào như các tỉnh miền núi để phối hợp cung cấp lao động.

Chưa có hướng dẫn chọn bộ sách giáo khoa để giảng dạy


Đồng chí Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định

Tham gia thảo luận tại hội trường, đồng chí Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết đã hoàn thành việc xét tuyển 1.951 giáo viên theo kế hoạch của tỉnh. Đến thời điểm này, việc phỏng vấn các giáo viên tham dự xét tuyển đã xong. Sở GDĐT đang cùng với các địa phương chuẩn bị thông báo kết quả cho giáo viên. Thời gian tới còn hơn 3.000 vị trí việc làm, Sở GDĐT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức thi tuyển.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, đồng chí Lương Văn Việt cho biết nghiêm cấm giáo viên cắt nội dung chính khóa để tổ chức dạy thêm, học thêm. Giáo viên không được tổ chức dạy thêm trước chương trình học. Nghiêm cấm dạy thêm ở cấp tiểu học. Đối với bậc THCS, không được dạy thêm quá 3 buổi/tuần và 4 buổi/tuần đối với bậc THPT...

Theo người đứng đầu ngành GDĐT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định là do công tác quản lý chưa tốt, có giáo viên còn cố tình vi phạm, có nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em học giáo viên giỏi... 

Về giải pháp, đồng chí Lương Văn Việt cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc dạy chính khóa ở trường; quy trách nhiệm cho người đứng đầu các trường nếu để xảy ra dạy thêm, học thêm trái quy định; xử lý nghiêm giáo viên cố tình vi phạm...

Đề cập về việc triển khai chương trình phổ thông mới, Giám đốc Sở GDĐT Lương Văn Việt cho biết theo lộ trình, từ năm học 2020-2021 sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 1. Từ năm học 2021-2022 trở đi sẽ triển khai ở các cấp học còn lại và đến năm học 2024-2025 sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình phổ thông mới đối với các cấp học. 

Chương trình phổ thông mới có rất nhiều bộ sách giáo khoa và mỗi trường được quyền chọn một bộ sách để giảng dạy. Ngoài sách giáo khoa còn có một số môn mới. Ví dụ, với bậc tiểu học, môn tin học và ngoại ngữ là những môn bắt buộc thay vì không bắt buộc như trước kia.

"Bộ GDĐT chưa có hướng dẫn về lựa chọn bộ sách giáo khoa thế nào. Tuy nhiên, khi lựa chọn bộ sách giáo, cần thống nhất trong tỉnh, tránh việc mỗi trường chọn một bộ sách thì sẽ xảy ra tình trạng học sinh chuyển trường sẽ không học được", Giám đốc Sở GDĐT nói.

Buổi chiều, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài