Kết nối cung cầu lao động đầu năm

05/02/2023 18:30

Năm 2023, khi doanh nghiệp còn phải đối diện với không ít khó khăn do sụt giảm đơn hàng thì việc kết nối tìm việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng ngay sau Tết.


Từ ngày 30.1, nhiều lao động đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm-Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương tìm việc 

Tìm việc cho lao động

Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm-Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) ngày đầu xuân mới Quý Mão khá sôi động.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) ghi chép cẩn thận thông tin doanh nghiệp tuyển dụng, so sánh mức lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác trước khi chọn một doanh nghiệp để nộp hồ sơ xin việc. Chị Thủy cho biết: “Với kinh nghiệm gần 10 năm làm trong ngành may mặc, tôi sẽ tiếp tục xin vào một doanh nghiệp ở lĩnh vực này. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi đã quyết định nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Shints BVT vì doanh nghiệp này đang có nhiều chế độ tốt và ngay khi vào làm chúng tôi được nhận tiền thưởng may mắn đầu năm”.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đầu năm 2023, số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động giảm hơn nhiều, chưa bằng một nửa so với cùng thời điểm này những năm trước. Nếu như trước đây, những doanh nghiệp lớn như các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Công nghiệp Brother Việt Nam, Sumidenso Việt Nam thường đăng tuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động sau Tết thì năm nay con số này khá khiêm tốn, có doanh nghiệp đã ngừng tuyển dụng từ trước Tết.

Để giúp lao động có việc làm, ngay từ trước Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm-Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương đã khảo sát và tìm hiểu thông tin của hơn 20 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để kết nối, cung cấp thông tin tìm việc làm cho nhiều lao động sau Tết. “Ngay mùng 9 Tết, đã có 20 doanh nghiệp trong tỉnh đến trung tâm để tuyển dụng. Nhiều lao động thông qua phiên giao dịch đã tìm được việc làm”, bà Trần Thị Khuyên, Trưởng Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương) chia sẻ.

Giúp người lao động (NLĐ) vượt qua thách thức giai đoạn khó tìm việc hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội còn thực hiện các chương trình hỗ trợ, tư vấn học nghề. Chính sách hỗ trợ tiền học nghề mới đối với lao động thất nghiệp sẽ giúp họ nâng cao tay nghề, lựa chọn việc làm phù hợp.

Doanh nghiệp nỗ lực


Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động

Dù đơn hàng sụt giảm nhưng ngay sau Tết, Công ty TNHH May Tinh Lợi vẫn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ. Đến ngày 31.1, toàn bộ công nhân của doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc. Đại diện doanh nghiệp cho biết do khó khăn về đơn hàng nên đầu năm nay doanh nghiệp không thiếu nhiều lao động như những năm trước mà chú trọng tuyển các vị trí bị khuyết do công nhân nghỉ việc từ trước Tết. Trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ chân NLĐ để khi đơn hàng tăng trở lại sẵn sàng đáp ứng tiến độ sản xuất.

Cho NLĐ làm việc luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ thêm thứ bảy hoặc tìm kiếm các đơn hàng gia công nhỏ… là cách nhiều doanh nghiệp Hải Dương đang thực hiện để không NLĐ nào bị mất việc đầu năm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shints BVT (TP Hải Dương), trải qua 2 năm khó khăn vì dịch Covid-19, doanh nghiệp luôn cố gắng tạo việc làm và giữ chân NLĐ. Ngay từ trước Tết, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường để có thêm đơn hàng, giúp NLĐ yên tâm làm việc. “Sự cố gắng của ban lãnh đạo doanh nghiệp đã được đền đáp khi không công nhân nào phải nghỉ việc mà chúng tôi còn phải tuyển thêm 300 công nhân may và 200 công nhân phụ chuyền. Những công nhân mới được tuyển có tay nghề may còn được thưởng từ 3,5-4,5 triệu đồng/người".

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến đầu tháng 2, Hải Dương chưa có doanh nghiệp nào phải cho công nhân nghỉ việc vì thiếu đơn hàng. Theo ông Đinh Hữu Dũng, Trưởng Phòng Tổ chức- Hành chính (Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương), doanh nghiệp cố gắng giữ chân NLĐ giai đoạn này sẽ có nhiều lợi ích. Trước hết, đây là sự tri ân của doanh nghiệp đối với những lao động đã gắn bó với doanh nghiệp trong suốt thời gian khó khăn, vất vả. Thứ hai, sau khi phục hồi, đơn hàng nhiều lên, doanh nghiệp có thể bắt nhịp sản xuất ngay mà không phải đôn đáo đi tìm lao động, thậm chí phải mất nhiều thời gian và chi phí đào tạo lại. Khi lao động có tay nghề cao, sẵn có nhiệt huyết cống hiến thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn và phát triển.

Nếu như những năm trước, sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp Hải Dương “đỏ mắt” đi tìm lao động thì năm nay tình trạng này không còn xảy ra. Tình trạng thừa lao động chỉ diễn ra cục bộ ở một vài doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Ngân, công nhân Công ty TNHH Meiko Towada Việt Nam (Cẩm Giàng) phấn khởi khi không bị mất việc đầu năm dù doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc thật tốt để đồng hành với doanh nghiệp giai đoạn khó khăn này”, chị Ngân nói.

Ngày 16.1.2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Theo đó, từ ngày 1.10.2022 - 31.3.2023, người lao động bị giảm việc, ngừng việc, mất việc sẽ được hỗ trợ 1-3 triệu đồng từ kinh phí công đoàn. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối cung cầu lao động đầu năm