Hỗ trợ lao động tự do: Công khai, giám sát để tránh trục lợi

15/05/2020 07:02

Việc xác định những lao động tự do đủ tiêu chuẩn được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ đang gặp nhiều khó khăn. Để không bỏ sót, nhầm đối tượng đòi hỏi cơ quan chức năng phải công tâm.


Cán bộ khu dân cư số 8, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) tới từng nhà rà soát lao động tự do

Trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) là nhóm khó xác định nhất. Để không bỏ sót đòi hỏi cơ quan chức năng phải thực hiện công khai và giám sát chặt chẽ ngay từ đầu.

Khó xác định

Trong kế hoạch hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của Hải Dương đã nêu rõ về chính sách hỗ trợ lao động tự do (LĐTD) bị mất việc làm. Theo đó, người lao động (NLĐ) phải bảo đảm các điều kiện mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo; cư trú hợp pháp tại địa phương; làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh, xe xích lô chở khách, bán lẻ xổ số lưu động, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe... Thời gian hỗ trợ trong các tháng 4, 5 và 6. Sau ngày 15 hằng tháng, NLĐ có nhu cầu được hỗ trợ gửi hồ sơ đến UBND cấp xã. Trường hợp NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố, nếu đề nghị hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú không đề nghị hưởng các chính sách hỗ trợ và ngược lại.

Quy định là thế nhưng khi triển khai tại các địa phương lại gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là xác định người đủ tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Quang Ánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Dân (Chí Linh) cho biết qua rà soát sơ bộ của các khu dân cư, toàn phường có hơn 100 người thuộc nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, trong số đó có những người đi làm ăn xa, địa phương không xác định được nghề nghiệp. Ví dụ có trường hợp trong một gia đình cả 2 bố con đều khai báo làm xe ôm. Họ làm việc theo kiểu sáng đi, tối về nên không tạm trú ở 1 địa phương nào để xin giấy xác nhận. 


Người làm nghề xe ôm ở thị trấn Tứ Kỳ mong sớm nhận được tiền hỗ trợ

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Miện, từ ngày 9.5, các xã, thị trấn rà soát LĐTD. Khó khăn nhất mà các địa phương trong huyện gặp phải là xác định mức thu nhập, ngành, nghề cụ thể của nhóm đối tượng này. Cụ thể, ở xã Chi Lăng Nam có nhiều người làm nghề lái thuyền chở khách tham quan đảo Cò. Địa phương không biết nhóm người này có thuộc diện làm nghề du lịch bị ảnh hưởng hay không. Mặt khác, qua quá trình chi trả cho nhóm người có công, bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, cận nghèo của các xã, thị trấn cho thấy có nhiều người vừa thuộc nhóm LĐTD lại vừa thuộc một trong những nhóm được hỗ trợ nêu trên. Nếu để trường hợp này hưởng mức đã xác định thì sẽ không được nhận hỗ trợ của LĐTD (nếu đủ tiêu chuẩn). Thế nhưng nếu để họ cam kết không hưởng mức đã được xác định, chờ hưởng theo diện LĐTD thì sau này xác định họ không đủ tiêu chuẩn, địa phương sẽ không biết xử lý thế nào.

Công khai, minh bạch

Ngoài khó xác định đối tượng thì việc triển khai hỗ trợ nhóm LĐTD dễ nảy sinh tiêu cực như có thể dựa vào mối quan hệ thân quen đưa vào danh sách hỗ trợ những người không đủ tiêu chuẩn nhằm trục lợi... Để khắc phục những vướng mắc, tiêu cực trên, các địa phương phải công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu. MTTQ được giao giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là biện pháp cần thiết bảo đảm thực hiện gói an sinh này đúng đối tượng.

Đến nay, Hải Dương đã hoàn thiện danh sách hỗ trợ cho nhóm người có công, bảo trợ xã hội, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Các địa phương đã và đang chi trả theo quy định. Nhóm LĐTD là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. 

Theo ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban công tác Mặt trận các thôn, khu dân cư phải tham gia giám sát ngay từ đầu lúc rà soát, lập danh sách người được hỗ trợ. Các địa phương công khai danh sách để người dân biết, giám sát lẫn nhau.

Có công khai, minh bạch mới tránh được các tình huống tiêu cực như cán bộ thiên vị người nhà, đưa vào danh sách những người không đủ tiêu chuẩn, không bỏ lọt người đủ điều kiện...

NGA THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ lao động tự do: Công khai, giám sát để tránh trục lợi