Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn

24/07/2018 07:09

6 tháng đầu năm nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 15 lớp dạy nghề cho 1.520 chị em; giới thiệu 1.750 lao động nữ vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Các cơ quan chức năng cần kết nối các tổ sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để có nơi tiêu thụ ổn định. Trong ảnh: Một tổ sản xuất tranh thêu của phụ nữ xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ)

Dạy nghề cho lao động nữ ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc này vẫn còn khó khăn, kết quả chưa như mong muốn. 

Tạo việc làm tại chỗ

Sau khi học nghề do Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 (Hội Phụ nữ tỉnh) tổ chức tại địa phương, chị Đoàn Thị Nghiệp ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đã thành lập tổ sản xuất khâu nơ hoa tại nhà gồm 15 chị em. Tổ sản xuất nhận khâu theo đơn hàng của một công ty chuyên làm đồ thủ công mỹ nghệ tại TP Hải Dương. "Các chị em tham gia tổ sản xuất ở độ tuổi từ 30-55, hầu hết theo được nghề này vì công việc nhẹ nhàng, không mất nhiều thời gian. Mọi người không phải đi làm xa, vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình. Nhiều chị quá tuổi không thể xin vào làm việc tại các công ty hoặc nhiều chị sức khỏe yếu nên đã chọn công việc này", chị Nghiệp cho biết. Sau hơn 3 năm hoạt động, tổ sản xuất đã giúp các chị có việc làm với mức thu nhập ổn định. Những chị còn trẻ, làm nhanh, thu nhập mỗi tháng từ 2,5-3 triệu đồng/người. Những chị lớn tuổi, sức khỏe yếu mỗi tháng thu nhập khoảng 1triệu đồng/người. 

Đây chỉ là một trong nhiều tổ sản xuất do các phụ nữ sau học nghề tự vận động thành lập. Những tổ sản xuất này góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, duy trì kết quả dạy nghề tại địa phương.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 15 lớp dạy nghề cho 1.520 chị em. Các cấp hội đã giới thiệu 1.750 lao động nữ vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp... 

Khó làm, thu nhập thấp

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nữ ở nông thôn cũng còn không ít những khó khăn, bất cập. Điều này đã làm cho nhiều địa phương không còn mặn mà với việc dạy nghề cho phụ nữ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 chủ yếu dạy các nghề thủ công như đan mây tre, thêu mỹ thuật, may công nghiệp, khâu nơ hoa... Trong thực tế, những công việc này thường mang lại thu nhập thấp; nhiều người có sức khỏe thích đi làm công nhân, giúp việc gia đình, làm việc tại các nhà hàng, đi phụ hồ... vì thu nhập cao hơn. Số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đặt mua mặt hàng ít, nguồn hàng khó bảo đảm thường xuyên. Hơn nữa, yêu cầu công việc ngày càng khó, mẫu mã thường xuyên thay đổi nên không ít người chán nản, bỏ cuộc. Nhiều chị em coi công việc này là nghề phụ nên không chú trọng, dẫn tới năng suất không cao. Việc dạy nghề tại chỗ theo nhu cầu sản phẩm của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn một phần do trình độ của các chị em còn hạn chế. Một bộ phận lao động nữ nông thôn làm công việc nội trợ, ở lứa tuổi trung niên... cũng không mặn mà với các lớp học nghề thủ công. 

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, đa số cơ sở vật chất tại các lớp học nghề may công nghiệp ở cơ sở chưa đáp ứng được các tiêu chí nên gây khó khăn cho việc mở lớp học. Theo quy định, các đối tượng học nghề vẫn được hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ này chưa đủ sức thu hút người lao động. Không phải ai sau khi học các nghề thủ công này cũng có thể lập tổ sản xuất, bởi nguồn hàng không ổn định. Việc mở các tổ sản xuất cũng cần có vốn ban đầu, nhưng nhiều người gặp khó khăn. Các ngành nghề này không phải ở địa phương nào cũng duy trì được nên nhiều lớp học được mở ra nhưng không mang lại hiệu quả lâu dài. 

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cần xác định rõ những hạn chế, khó khăn trên để kịp thời khắc phục. Trong đó cần thực hiện tốt việc tư vấn nghề nghiệp, lựa chọn các ngành nghề phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng phụ nữ, đào tạo nghề theo địa chỉ. Đối với các học viên sau khi học xong lớp dạy nghề thủ công, cơ quan chức năng cần hỗ trợ về vốn để họ có đủ điều kiện thành lập, phát triển các tổ sản xuất; kết nối các tổ sản xuất với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để có nơi tiêu thụ ổn định.

THANH HOA

(0) Bình luận
Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn