Đào tạo nghề chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp

17/09/2019 09:38

Hải Dương hiện có khoảng 12.850 doanh nghiệp (DN), sử dụng hơn 281.000 lao động.

Chương trình hội nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm gắn kết công tác giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua

Nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo của các DN không ngừng tăng nhưng công tác đào tạo nghề nghiệp hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN.

Doanh nghiệp phải đào tạo lại

Tại nhiều DN, lao động trẻ mới qua đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc. Họ vừa thiếu kinh nghiệm làm việc vừa thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ hiện có của công ty. Phương án của các DN là tổ chức đào tạo lại để có nguồn nhân lực vừa ý. Theo ông Đinh Hữu Dũng, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, hiện nhiều trường dạy nghề vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình, chứ chưa đào tạo theo “cầu” của DN. Vì thế, thời gian qua tất cả nhân viên mới được công ty tuyển dụng đều chưa thể làm việc ngay mà phải đào tạo lại. 

Chính vì nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo nghề nghiệp còn nhiều hạn chế nên Tập đoàn An Phát Holdings phải thành lập trung tâm đào tạo nghề. Đại diện của trung tâm này cho biết trước khi thành lập trung tâm, các công ty của tập đoàn đều gặp phải nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Gần như 100% số lao động kỹ thuật khi được tuyển dụng đều không đáp ứng được yêu cầu. Công ty phải bỏ thêm thời gian, chi phí để đào tạo lại. Trong năm 2019, các nhà máy tại Hải Dương có nhu cầu tuyển dụng ít nhất 1.000 lao động. Khoảng 75% trong số đó là lao động phổ thông, còn lại là lao động kỹ thuật. Nhưng DN cũng gặp khó vì luôn thiếu lao động đăng ký tuyển dụng. 

Công ty TNHH May Tinh Lợi hiện đang sử dụng số lao động lớn hàng đầu trong tỉnh. Trong các năm 2019-2020, mỗi năm DN này có nhu cầu tuyển từ 7.000-10.000 người. Đại diện công ty cho biết hiện số lượng cơ sở đào tạo nghề liên quan đến in, thêu hoặc may mặc trong tỉnh còn hạn chế, số lượng học viên tốt nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của DN. Mặt khác, người lao động chưa được đào tạo sát với yêu cầu thực tế công việc tại công ty. Do đó, thời gian qua DN phải đầu tư cho hoạt động đào tạo trực tiếp để có nguồn nhân lực phù hợp.

Thiết bị cũ, giáo trình lạc hậu

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện thiết bị phục vụ cho việc giáo dục nghề nghiệp của nhiều cơ sở dạy nghề còn thiếu và lạc hậu do nguồn kinh phí đầu tư chưa đáp ứng được sự phát triển của công nghệ. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển công nghệ và thiết bị máy móc mới của các DN. Do vậy, người học sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại các DN chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều; chưa có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều thiết bị thực tập cho học viên của Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương đã sử dụng trong thời gian dài

Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, nhận được không ít sự đầu tư, quan tâm nhưng Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương cũng đối mặt với không ít khó khăn. Anh Vũ Huy Hòa, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Quan hệ DN nhà trường cho biết tuy vẫn thường xuyên được đầu tư theo các chương trình mục tiêu nhưng nhìn chung trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy của trường vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của DN. Có những thiết bị trường sử dụng trong thời gian dài nên đã lạc hậu. Bên cạnh đó, việc giảng dạy theo chương trình khung của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp áp dụng trong thời gian dài, không kịp thời điều chỉnh cũng sẽ lạc hậu so với nhu cầu của DN. Vì vậy, để có giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tế của DN cũng đặt ra nhiều thách thức với giáo viên nhà trường.  

Giải pháp từ nhiều phía

Ngày 6.9 vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh. Mục đích chính của chương trình này nhằm tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hệ thống trung tâm, DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm với DN, huy động các DN tham gia đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích các DN hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp với cơ cấu, ngành nghề, số lượng, trình độ theo yêu cầu sử dụng lao động của DN. 

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần làm tốt công tác tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo đặt hàng của DN. Chủ động tiếp cận và tìm kiếm các DN thúc đẩy ký kết các chương trình đào tạo gắn liền nhu cầu của họ. Các DN cần cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình. Nên xây dựng cơ chế đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp việc đào tạo lao động sát nhu cầu. DN có thể trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp