Lãnh đạo trường đại học dân lập đầu tiên được phong Anh hùng Lao động

21/12/2020 15:57

Từ ngôi trường dân lập đầu tiên ở miền Trung thiếu thốn đủ bề, dưới sự chèo lái của cựu chiến binh Lê Công Cơ, Duy Tân đã trở thành đại học ngoài công lập hàng đầu cả nước.


Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ. Ảnh: duytan.edu

Sau khi đã dành cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, ở tuổi 52, ông Lê Công Cơ xin nghỉ hưu để thực hiện tâm nguyện làm công tác giáo dục. 

Để thực hiện giấc mơ xây dựng trường đại học ngoài công lập với tinh thần đổi mới, duy tân, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ đã thế chấp căn nhà của gia đình, vay mượn bạn bè, 50 lần ngược xuôi xin thủ tục.

Từ ngôi trường dân lập đầu tiên ở miền Trung thiếu thốn đủ bề, phải đi thuê cơ sở vật chất... Dưới sự chèo lái của thầy Lê Công Cơ, ngôi trường ấy giờ đã trở thành trường đại học ngoài công lập hàng đầu cả nước, quy mô lớn nhất miền Trung, đóng góp to lớn cho nhân lực khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Với những thành tích của mình, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ đã vinh dự được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong những đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. 

Từ khát vọng Duy Tân...

Nhà giáo Lê Công Cơ sinh năm 1941, tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi, 24 tuổi đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng ở nhiều địa bàn, ông đã nhiều lần vào sinh ra tử. Ông đã được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách như Chủ tịch Liên hiệp sinh viên-học sinh Giải phóng khu Trung Trung Bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964-1965), Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế (1969-1972), Ủy viên Thành ủy Thừa Thiên Huế (1972-1976). Ông đã từng tham gia một số trận đánh ác liệt như Tổng tấn công Mậu Thân 1968 ở Huế với vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn 810, tiểu đoàn đã treo cờ giải phóng ở Kỳ đài của Huế, chỉ huy giải phóng nội thành Huế vào ngày 25.3.1975. 

Với những cống hiến của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng nhất...

Sau giải phóng, ông giữ nhiều chức vụ như Phó Chủ tịch trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Đại biểu quốc hội, Giám đốc Công ty du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng... Tuy nhiên, giấc mơ về ngôi trường đại học đã ấp ủ từ rất lâu vẫn không ngừng thôi thúc. Vì thế, năm 1993, ở tuổi 52, ông xin nghỉ hưu để thực hiện tâm nguyện làm công tác giáo dục. Ông bảo, làm giáo dục vẫn là cống hiến cho đất nước, nhưng ở một phương diện khác, gián tiếp, dài hạn và ý nghĩa hơn là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho Tổ quốc.

Để biến ước nguyện thành hiện thực, ông đã thế chấp căn nhà đang ở - tài sản lớn duy nhất của mình lúc bấy giờ - và vay thêm bạn bè. Nhưng khó khăn không chỉ về tài chính mà cơ sở pháp lý cho các trường đại học ngoài công lập khi đó vẫn chưa hoàn thiện. Khu vực miền Trung cũng chưa có một trường đại học ngoài công lập nào.


Nhà giáo Lê Công Cơ chia sẻ với sinh viên. Ảnh: duytan.edu

Ở miền Bắc, từ năm 1988, Trung tâm đại học dân lập Thăng Long được đưa vào hoạt động. Phía Nam, năm 1990, Viện Đại học mở bán công TP Hồ Chí Minh được thành lập. Tuy nhiên, phải đến tháng 1.1994, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mới ban hành quy chế tạm thời về đại học dân lập. Đến tháng 8.1994, Trung tâm Đại học Thăng Long mới có đủ tư cách pháp nhân, trở thành Trường Đại học dân lập sau khi đã có sinh viên đầu tiên tốt nghiệp.

Vì thế, nhà giáo Lê Công Cơ đã mất hai năm ròng rã, từ 1993 đến 1994, đi hơn 50 chuyến tàu từ miền Trung ra Hà Nội để vận động, thuyết phục và làm thủ tục xin mở trường. Ngày 11.11.1994, thầy Cơ mừng rơi nước mắt với Quyết định Số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Trường Đại học Duy Tân, ngôi trường đại học tư thục đầu tiên của miền Trung, mang theo khát vọng canh tân, đổi mới.

...đến trường ngoài công lập hàng đầu

Từ số vốn ban đầu ít ỏi, ngôi trường thiếu thốn mọi mặt nhân lực và vật lực, phải đi thuê trường lớp để dạy..., sau hơn 26 năm dưới sự lãnh đạo của nhà giáo Lê Công Cơ, Trường Đại học Duy Tân đã trở thành trường đại học ngoài công lập không chỉ đầu tiên mà còn lớn nhất miền Trung, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Hiện trường tổ chức đào tạo từ đại học đến tiến sỹ, với 34 chuyên ngành trình độ đại học, 8 chuyên ngành trình độ thạc sỹ và 5 chuyên ngành trình độ tiến sỹ với quy mô đào tạo trên 53.000 sinh viên, là một trong những đại học ngoài công lập hàng đầu cả nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học.


Cơ sở vật chất khang trang của Đại học Duy Tân. Ảnh: duytan.edu

Với quan điểm muốn nâng tầm, đi nhanh phải “đứng trên vai người khổng lồ” và triệt để ứng dụng công nghệ, nhà giáo Lê Công Cơ đã có nhiều giải pháp, sáng kiến táo bạo khi “bắt tay” với các đại học hàng đầu thế giới trong đào tạo. Từ năm 2006 đến nay, trường đã chi trên 4 triệu USD để mua bản quyền và chuyển giao chương trình công nghệ đào tạo 10 chương trình tiên tiến của ba trường đại học hàng đầu tại Mỹ gồm Đại học Carnegie Mellon, Đại học Bang Pennsylvania, Đại học Bang California ở Fullerton.

Không dừng lại ở việc “nhập khẩu” chương trình tiên tiến, ông còn mạnh dạn đưa sinh viên đi du học nước ngoài, lấy bằng quốc tế bằng cách hợp tác với các đại học nước ngoài triển khai các chương trình du từng phần (học một phần ở Trường Đại học Duy Tân, một phần tại đại học Mỹ, Anh hoặc Singapore). Đặc biệt, trong năm 2017, Trường Đại học Duy Tân đã tạo nên một cột mốc mới ở miền Trung khi chính thức ký kết với Đại học Troy và Đại học Keuka (Mỹ), mang đến cơ hội cho sinh viên Việt Nam học tập ngay tại quê nhà để lấy bằng cấp quốc tế.

Trong khi nghiên cứu khoa học vẫn là điểm yếu của nhiều trường đại học thì tại Trường Đại học Duy Tân hoạt động nghiên cứu khoa học được thầy Cơ đặc biệt chú trọng với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia. Trường đã công bố hơn 6.000 sản phẩm khoa học với gần 3.400 bài báo ISI, ba bằng độc quyền sáng chế.

Từ chỗ phải đi thuê trường, lớp, với chủ trương xây dựng và phát triển phi lợi nhuận để tái đầu tư xây dựng và phát triển, hiện trường đã có 5 cơ sở đào tạo với diện tích trên 36ha. Hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, thiết bị dạy học và nghiên cứu được trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn đại học Mỹ.

Với những nỗ lực đó, trường được lọt tốp 400 đại học châu Á năm 2021 theo công bố của Tổ chức xếp hạng đại học QS; tốp 5 các cơ sở đại học về nghiên cứu của Việt Nam theo xếp hạng của tạp chí Nature Index; là một trong ba cơ sở đại học của Việt Nam được ABET, tổ chức kiểm định hàng đầu Hoa Kỳ, công nhận đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với ba chương trình kỹ thuật mạng, hệ thống thông tin quản lý và điện-điện tử.

Đi qua hành trình 26 năm dựng trường, nhà giáo Lê Công Cơ cho hay ông đã nỗ lực bằng tất cả tình yêu với quê hương, đất nước, với khát vọng đổi mới giáo dục Việt Nam và sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa Trường Đại học Duy Tân phát triển hơn nữa.

Nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ nhận định nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân là trường hợp cá nhân đầu tiên và duy nhất, tính đến thời điểm này, được Hiệp hội đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

“Là người khai sinh và lãnh đạo Trường Đại học Duy Tân, thầy Lê Công Cơ đã mở đường cho giáo dục đại học ngoài công lập khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Với sự thành công của Đại học Duy Tân, thầy Cơ cũng đã minh chứng cho thành công của xã hội hóa giáo dục đại học, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước,” phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nói.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Lãnh đạo trường đại học dân lập đầu tiên được phong Anh hùng Lao động