Làng Soi

30/10/2014 10:53


Gọi là quê nghe có vẻ xa xôi diệu vợi quá. Thực ra quê tôi chỉ cách trung tâm thành phố có ba cây số, đường nhựa phẳng phiu, thênh thang rộng rãi với bốn làn xe thoải mái xuôi ngược. Xe máy dù có chạy chậm đến mấy cũng chỉ mất dăm bẩy phút là tới. Và bây giờ nó cũng thuộc về thành phố rồi. Chứ cái ngày xưa ấy, cái ngày cách hôm nay chừng dăm sáu chục năm, hôm nào được bố mẹ cho theo về quê thì ngày hôm đó vui như Tết. Ngày ấy con đường vừa nhỏ vừa gập ghềnh, đầy cát bụi mịt mù theo gió từ sông thổi vào. Mỗi bước tôi đi đều bỏ lại phía sau dấu vết của bàn chân nhỏ xíu. Quê tôi là vùng đất bãi giữa dòng sông Thái Bình. Hằng năm mỗi mùa nước lũ tràn về, nước ngập trắng xóa mênh mông. Người ta gọi đó là bãi Soi. Tên làng cũng từ đấy mà ra, làng Soi. Làng Soi nằm lệch hẳn về bờ hữu ngạn, chia dòng sông Thái Bình làm hai phần to nhỏ rõ ràng. Mùa nước cạn, dòng nhỏ chỉ còn như con suối, nông choèn, nước ngập ngang ống chân trẻ con. Dòng to, nước vẫn mênh mông bể sở. Ai muốn qua bên Thượng Đạt phải lên đò ngang. Vì thế từ rất lâu rồi làng Soi thuộc về đất Bình Hàn.


Trên dòng Thái Bình có nhiều bãi soi, đâu phải chỉ có một quê tôi. Bãi Soi cũng giống như đời một con người. Có sinh ra, có lớn lên, và cuối cùng có mất đi. Sự mất còn của những bãi soi không biết đâu mà lường. Cát được bào mòn từ thượng lưu vượt qua cả trăm cả ngàn cây số, theo lũ lụt đổ về, đến khúc ngoặt tích tụ phù sa tạo thành cánh bãi. Có bãi soi chỉ tồn tại nổi một năm qua mùa mưa lũ hoặc vài chục năm. Chỉ riêng cánh bãi quê tôi có cả trăm năm rồi. Nhưng dù thế nào cánh bãi bao giờ cũng mang trên mình nó một tấm áo màu xanh. Cái màu của nụ cười, của sự sống.

Không ai dám chắc làng Soi sẽ tồn tại đến khi nào. Có thể năm tới nước lũ tràn về cuốn phăng đi. Cũng có thể nó vững chãi như một chiến hạm không bao giờ bị đánh chìm. Chỉ biết rằng những năm qua mỗi lần lũ về là nước ngập trắng làng. Mọi người đều đi lại bằng thuyền. Khi làng đã thành sông, con cá con tôm lại vào ở quẩn quanh với người. Cá kiếm mồi tận chân cột, gầm giường. Người làng tôi vốn quen cảnh sống chung với lũ lụt nên nghe chừng bình thản lắm. Dẫu nước có dâng cao bao nhiêu cũng chẳng có ai chịu rời nhà vào đất liền. Ngọn sóng sông Thái Bình về mùa lũ hung dữ dường như chỉ kích thích sự hăng say làm việc của mọi người. Khói cơm chiều của những cái bếp làm vội vẫn bay ra từ mỗi nóc nhà. Khi cùng chung một hoạn nạn, cái tính bản thiện nguyên sơ vốn có của con người được bày tỏ sâu đậm. Người làng giúp nhau từ hạt muối, cọng rau, từ lít dầu bơ gạo giã vội. Mọi người tựa lưng vào nhau để chống chọi với thiên nhiên. Làng quê ngập nước mênh mông nên tình người cũng mênh mông dạt dào như sóng nước. Cũng vì mỗi năm quê tôi bị ngập lụt một lần nên không thể cấy trồng được lúa. Nhưng các loại ngũ cốc như ngô khoai, vừng lạc thì ê hề khắp bãi. Hồi còn sống, ông nội tôi thông hiểu về con nước, về cấy trồng nhất làng Soi.Trước khi vào vụ, người làng đến hỏi ông, vụ này trồng gì? Ông nội tôi bảo, muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám. Bây giờ người làng Soi ai cũng biết và làm theo câu ấy. Nhìn trăng đêm rằm tháng tám, người ta biết mùa đông tới ấm lạnh ra sao để quyết định. Có lẽ vì thế mà các loại cây người làng Soi trồng bao giờ cũng thu được kết quả mỹ mãn. Xưa kia người dân làng Soi lúc lo chống lụt đều lấy ngày rằm tháng bẩy âm lịch tính thời gian con lũ. Tuy chỉ mang tính ước lệ, nhưng thường rất đúng. Những năm sau này tôi về quê lại nghe người làng bảo nhau, cứ phải qua Tết Độc Lập (2-9) mới hết được lũ. Có người lại bảo, phải qua Tết Giải phóng (ngày giải phóng thành phố Hải Dương 30-10) mới chắc ăn, không sợ con lũ muộn. Chẳng biết người dân quê tôi đúc kết tự khi nào.Chỉ biết chắc chắn rằng phải là sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 và ngày giải phóng thành phố Hải Dương năm 1954. Một điều kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy ở vùng quê nông nghiệp nào. Nhưng rất đáng trân trọng.

Những ngày lịch sử của đất nước, của thành phố cứ tự nhiên đi vào nông lịch của người làng Soi. Mỗi lần sau cuộc trà dư tửu hậu, người già làng Soi nhìn trời, nhìn nước, nhìn cuốn lịch, rung đùi bảo nhau, Tết Độc Lập đến rồi, loáng cái nữa là đến Tết Giải phóng. Nhanh quá, mình chưa chuẩn bị được cây giống. Người làng Soi quê tôi dùng chữ Tết để chỉ những ngày trọng đại, đồng thời cũng chỉ những cái mốc thời gian trong mỗi mùa vụ canh tác. Nghe sao thân thiết đến thế. Vừa dân dã vừa không giấu giếm niềm tự hào là con dân của một nước độc lập, tự do. Phải chăng những ngày mà người dân làng Soi gọi là Tết đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, vào trái tim mỗi người.
Một mùa thu nữa lại về, người dân làng Soi lại chuẩn bị cho mùa vụ tới. Lắng nghe ngọn gió heo may thổi dọc bờ sông Thái Bình, người làng Soi cảm nhận mùa xuân đang ở rất gần trong mỗi luống hoa, ruộng rau, nương ngô.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng Soi