Bên cạnh những cửa hàng, nhà sách cung cấp sách mới vẫn có những cửa hàng bán sách cũ đáp ứng nhu cầu của người đọc.
Tuy nhiên, chỉ cần một cú nhấp chuột, con người có cả thế giới thông tin thì những cuốn sách cũ ngày càng ít được lựa chọn.
Những cửa hàng sách cũ ngày càng vắng khách. Ảnh: Ngô Huệ
Cửa hàng sách Ngọc Anh trên đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) kinh doanh sách cũ hơn 3 năm nay. Do nằm gần Trường Cao đẳng Hải Dương nên cửa hàng có lợi thế hơn những vị trí khác. Anh Nguyễn Ngọc Anh, chủ cửa hàng cho biết: "Ban đầu, cửa hàng của tôi thu hút khá nhiều khách vì giá sách cũ giảm từ 30-60% so với giá bìa nên hợp với túi tiền của nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Trung bình một ngày tôi có thể bán từ 20-30 cuốn sách. Tuy nhiên, lượng khách hàng gần đây đã giảm hẳn. Ngày nhiều nhất tôi cũng chỉ bán được một vài cuốn, thậm chí có ngày không có nấy một người ghé vào hỏi mua”. Theo anh Ngọc Anh, nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay công nghệ thông tin phát triển, có nhiều bản mềm của sách, truyện, người đọc chỉ cần nhấp chuột và đọc online chứ không chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là mua sách như trước kia.
Nếu không chú ý quan sát thì có lẽ tôi khó tìm ra cửa hàng sách cũ trên đường Lê Hồng Phong (TP Hải Dương) vì nó nằm nép mình khiêm nhường. Bên cạnh những cuốn sách được trưng bày trên giá, sách được xếp thành từng chồng lớn nhỏ trên những bậc cầu thang dồn vào phía góc nhà. Bà Trần Thị Hồng, chủ cửa hàng cho biết: "Tôi kinh doanh sách cũ đã được 10 năm nay. Trước đây tôi làm trong xưởng in nên biết cách "tân trang" lại sách cũ như đóng bìa, tôi cũng rất thích đọc sách nên quyết định kinh doanh sách cũ. Trong những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn có thể tìm niềm vui từ những cuốn sách. Chúng tuy cũ về hình thức nhưng nội dung, kiến thức thì không bao giờ cũ". Bà Hồng cho biết, những người thu mua ve chai, phế liệu thường về đây bán lại sách cũ cho bà. Bà thường mua lại với giá từ 8.000-9.000 đồng/kg, một số loại như sách văn học, tiểu thuyết thường được mua với giá vài chục nghìn đồng/kg. Sau đó, bà phân chia thành những loại riêng như: sách giáo khoa, sách tham khảo, sách văn học... Bà Hồng cho biết thêm: "Thời hoàng kim của sách cũ qua lâu rồi. Cửa hàng của tôi hầu như chỉ có khách vào thời điểm đầu năm học mới, khi các bậc phụ huynh, các em học sinh lựa chọn cho mình những cuốn sách giáo khoa, hoặc những cuốn sách tham khảo. Bởi thế nên bây giờ cửa hàng tôi có khoảng 70-80% là sách giáo khoa, sách tham khảo của các cấp học. Có người tới cửa hàng sách cũ vì giá cả phù hợp, có người tới vì không lựa chọn được cuốn sách mình muốn tại những nhà sách. Đó chính là điều thú vị vì nhiều khi cửa hàng sách cũ như của tôi lại có những cuốn sách mà ở những nhà sách không có. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng người mua cũng giảm nhiều". Trong những chồng sách, tôi nhận thấy có nhiều cuốn đã phủ một lớp bụi. Khi hỏi về những cuốn sách này, tôi nhận được câu trả lời của bà Hồng: Có khá nhiều cuốn nằm im trên giá sách, trong góc không được bất cứ ai hỏi tới. Vì tiếc nên bà cứ nấn ná để lại mong có ai đó hỏi mua nhưng cuối cùng lại phải đem những cuốn sách đó bán lại cho những người thu mua ve chai, phế liệu. Cả tuần mới có một người hỏi mua sách là chuyện bình thường. Bán sách cũ chẳng có lời lãi là bao, bà tiếp tục kinh doanh vì niềm đam mê với những cuốn sách và có thể chia sẻ niềm đam mê ấy với những người khác mà thôi.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Len ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) mở đại lý chuyên thu mua sách cũ. Giờ đây chị vẫn bán mặt hàng này nhưng cửa hàng của chị đã đổi tên thành "Tranh thêu chữ thập". Chị Len chia sẻ: "Tôi bán sách cũ từ năm 2002, nhưng giờ đây kinh doanh mặt hàng này ngày càng gặp khó khăn. Nếu như cách đây khoảng 4-5 năm, mỗi khi vào năm học mới, tôi có thể bán khoảng 100 bộ sách giáo khoa, sách tham khảo cũ thì thời điểm năm ngoái tôi chỉ bán được 20-30 bộ". Cuộc sống ngày càng hiện đại, các bậc phụ huynh học sinh thường chọn mua sách giáo khoa, sách tham khảo mới, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em mình. Nếu trước đây cửa hàng của chị Len đa dạng về các loại sách thì nay chỉ còn lại sách giáo khoa và sách tham khảo. Đó cũng là lý do bên cạnh sách cũ, chị Len phải nhập thêm một số sách mới, văn phòng phẩm và cả tranh thêu chữ thập về bán kèm. Nếu chỉ bán sách cũ thì có lẽ không đủ thu hồi vốn.
Em Phạm Thị Mai, học sinh lớp 7A, Trường THCS Tuấn Hưng (Kim Thành) cho biết: "Em rất ít khi chọn mua sách cũ một phần vì lo ngại sách cũ không bền, chất lượng không bảo đảm, một phần vì dù cho giá sách mới có giá cao gấp đôi so với sách cũ nhưng việc có một cuốn sách của riêng mình thơm mùi giấy, mực mới vẫn thú vị hơn".
Sự phát triển của cuộc sống hiện đại đã làm cho những cuốn sách cũ dần bị lãng quên. Những người mua sách cũ ít đi, những cửa hàng sách cũ cũng dần thu hẹp và chuyển hướng kinh doanh. Mua bán sách cũ không đơn thuần là trao đổi mua bán như những mặt hàng khác bởi ở đó người bán, người mua cùng chung niềm đam mê nguồn tri thức của nhân loại. Những người gắn bó với sách cũ vẫn tâm niệm một điều, hình thức của những cuốn sách tuy cũ nhưng nội dung, kiến thức chưa bao giờ cũ... Đó cũng là một quan niệm đáng trân trọng.
HUYỀN TRANG