Có một câu của Nguyễn Khải làm tôi nhớ mãi. Hình như ông viết: Ai mà không có một làng quê, cứ vén áo lên xem, bụng anh nào cũng có vết bùn... Tôi thấy đúng quá, bởi tôi cũng được bố mẹ cắt rốn chôn nhau ở làng tôi... Trong thâm tâm, tôi luôn nhớ về làng...
Ngày xưa, làng tôi như quây tròn lại với nhau. Bốn xung quanh làng là tre xanh, như bức tường thành. Đêm hôm có động, người ta kêu cứu: "Ới làng nước ơi!" Thế là nhà nhà xông ra, đố kẻ trộm nào dám lì lợm ở lại. Làng, cũng như nước, đùm bọc mọi con người. Trẻ con chơi đùa đúng như Đồng Đức Bốn đã viết: Chăn trâu đốt lửa trên đồng/Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/Mải mê đuổi một con diều/Củ khoai nướng để cả chiều thành tro... Chúng tôi rủ nhau ra cả các khu thùng vũng giáp sông bấy giờ còn hoang hóa nhiều. Hàng trăm hàng nghìn con vịt giời bay vù vù lên không trung. Nhưng rồi chúng cũng dễ nhận ra chúng tôi không có gì ác ý... Thế là cả đàn lại sà xuống... Con người và con vật cũng hiền hòa chung sống...
Cũng địa điểm ấy, bây giờ đã khác. Bà con bốc thăm, đấu thầu, nay khoanh vùng, đắp đập. Các trại chăn nuôi, trại cá đã lập nên. Vườn cây xanh. Ao cá vuông vức. Ngày xanh mát mắt, đêm đêm sáng ánh điện đèn. Cái giàu cái đẹp mở ra khắp bốn chung quanh làng. Còn như đi vào trong làng thì rõ là "nông thôn mới". Đường làng được bà con bảo nhau hiến đất, nắn thẳng từ xóm trước đến xóm sau, hai ô tô đi tránh nhau dễ dàng. Nhà nhà xây cất đẹp, vườn tược vuông vức, cứ như các khu dân cư ngoại thị trên thành phố... Làng tôi đổi mới từng ngày.
Chợt nghĩ đến một bài viết nói về người đi xa, vì một lý do nào đó mà "mất" quê hương. Đây là tâm sự thật, đọc mà day dứt quá chừng:
Quê là có đấy mà không
Đi không ai tiễn, về không kẻ chờ
Lên chùa gặp sãi ngẩn ngơ
Hỏi thăm giếng cũ vườn xưa... sãi cười
Xa quê từ thuở đầu đời
Mất quê chót chặng cuối đời lang thang
Lòng thành thơm một nén nhang
Chắp tay xin bái biệt làng... Tôi đi...
(Chu Hoạch)
NGUYỄN HỮU PHÁCH