Lãng phí thực phẩm, gánh nặng môi trường

27/11/2016 08:16

Trong khi nhiều người nghèo phải lo chạy ăn từng bữa thì một bộ phận khác lại đang lãng phí thực phẩm. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường.



Tại các nhà hàng hay quán cơm, tình trạng lãng phí thực phẩm diễn ra khá phổ biến


Thói quen xấu

Khoảng 7 giờ tối một ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi có mặt tại nhà hàng lẩu nướng BBQ trên đường Nguyễn Văn Linh. Nhà hàng phục vụ buffet (tiệc đứng) với giá 189.000 đồng/người, thực khách có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích. Quán khá đông khách, trong đó đa phần là các bạn trẻ. Quan sát xung quanh quán, chúng tôi thấy nhiều bàn khách đã ăn xong, nhưng thức ăn còn thừa khá nhiều. Những thức ăn này đã được nấu chín và trộn lẫn vào nhau nên không thể sử dụng lại. Chị Ngọc, chủ cửa hàng cho biết: "Ở đây, mỗi suất ăn đều tính giá như nhau, nên nhiều người vào quán lấy rất nhiều đồ rồi ăn không hết rất lãng phí. Nhưng lo mất khách nên chúng tôi cũng ngại không nhắc nhở".

"Khi đi ăn tôi thường gọi điện cho nhà hàng để đặt trước. Nhiều khi đối tác bận không đến hết làm dư thừa nhiều thức ăn, biết là rất lãng phí nhưng đã bày hết ra bàn rồi, trả lại nhà hàng cũng rất ngại", anh Lê Văn Thuấn ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) nói. Rất nhiều người có cùng suy nghĩ giống như anh Thuấn. Khi đến nhà hàng thực khách thường đặt nhiều món vì lo thiếu hoặc đồ ăn không hợp khẩu vị. Đồ ăn thừa không thể tận dụng nên nhà hàng đành bỏ đi. Tại các quán cơm, không ít người gọi suất cơm nhưng chỉ ăn hết một nửa, thậm chí chút ít rồi bỏ. Tại các bữa tiệc, nhất là tiệc cưới hiện nay, hầu hết khách chỉ ăn uống qua loa nên mâm cỗ còn rất nhiều thức ăn. Trong khi đó, tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi, nhiều người nghèo, đặc biệt là trẻ em lại rơi vào cảnh thiếu thực phẩm.

Sử dụng lãng phí thực phẩm đang trở thành một thực tế đáng buồn ở các thành phố, những nơi kinh tế phát triển. Chị Vũ Minh Anh ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: "Nhà có 3 mẹ con nên thực phẩm mua ngày nào ăn hết ngày ấy. Nhiều hôm có khách, mua nhiều ăn không hết, để tủ lạnh chỉ ăn được một bữa, nếu để lâu sợ thức ăn không bảo đảm. Ở phố, không có nhà nào chăn nuôi, cũng không thấy ai đến xin thức ăn thừa nên đành bỏ vào thùng rác".

Hệ lụy môi trường



Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Tiến nhặt được gần chục kg thực phẩm thừa gồm cơm, rau, củ, quả nội tạng
 động vật... bị người dân vứt ra bãi rác


Lãng phí thực phẩm không chỉ gây tốn kém cho các gia đình, mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Hằng ngày, một lượng thực phẩm lớn bị người dân vứt ra bãi rác. Bà Nguyễn Thị Tiến ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã nhiều năm kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu ở bãi rác cho biết: "Hôm nào bới xe rác để tìm phế liệu tôi cũng nhặt được mấy bọc cơm, có hôm còn nhặt được cả một túi thịt lớn vẫn còn lạnh. Thấy tiếc nên tôi  mang về cho lợn ăn". Mỗi ngày, bà Tiến thường nhặt được hàng cân thực phẩm trong các xe rác bao gồm cơm, các loại rau củ quả, thịt và nội tạng động vật. Những thực phẩm này đều bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.

Thực phẩm thừa ở các nhà hàng thường được các hộ chăn nuôi đến xin để tận dụng nuôi lợn. Cô Nguyễn Thị Thao ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) chuyên đi xin đồ ăn thừa về nuôi lợn cho biết, hằng ngày một lượng lớn thức ăn thừa được các nhà đổ đi. "Nhiều khi trong thùng thức ăn cho lợn còn có nửa con gà, nửa con cá to đổ lẫn lộn. Những thực phẩm này nếu được phân loại và để cẩn thận vào các hộp nhựa sau đó mang cho người nghèo, bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện thì sẽ rất ý nghĩa", cô Thao nói.

Lãng phí thực phẩm đồng nghĩa với việc lãng phí những chi phí cho sản xuất. Khi thực phẩm bị thối rữa trở thành những hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sống của chính chúng ta.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí thực phẩm, gánh nặng môi trường