Qua hơn 3 năm triển khai, bên cạnh những kết quả bước đầu, thì các mô hình này đang đứng trước nhiều khó khăn, dễ dẫn tới sự lãng phí...
Thanh niên nông thôn thích vào các quán in-tơ-nét hơn vào các điểm truy cập in-tơ-nét cho thanh niên
Thực hiện chương trình “Xây dựng 1.000 điểm truy cập in-tơ-nét cho thanh niên nông thôn” của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn đã huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng các điểm tuyên truyền phổ biến khoa học công nghệ và truy cập in-tơ-nét cho thanh niên tại các huyện. Qua hơn 3 năm triển khai, bên cạnh những kết quả bước đầu, thì các mô hình này đang đứng trước nhiều khó khăn, dễ dẫn tới sự lãng phí cho cả một chương trình đầy ý nghĩa.
Được thành lập từ năm 2009, điểm truy cập in-tơ-nét cho thanh niên ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) đã tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở địa phương có cơ hội được tiếp cận với thông tin, kiến thức mới, cơ hội việc làm. Điểm truy cập này được Tỉnh đoàn phối hợp với Viễn thông Hải Dương hỗ trợ 4 máy vi tính tổng trị giá hơn 30 triệu đồng, kéo đường truyền in-tơ-nét và miễn phí 6 tháng cước sử dụng dịch vụ. Do được truy cập miễn phí nên có khá đông ĐVTN tham gia. Anh Vũ Trọng Đắc, Bí thư Đoàn thị trấn Minh Tân cho biết: “Sau khi kết thúc 6 tháng hỗ trợ, tổ chức đoàn phải tự đứng ra chi trả cước sử dụng in-tơ-nét, ĐVTN đến truy cập phải mất phí, hơn nữa số lượng máy quá ít so với nhu cầu của ĐVTN trong xã nên rất khó cạnh tranh với các cửa hàng in-tơ-nét của tư nhân”. Hiện tại, toàn thị trấn có khoảng 300 ĐVTN nhưng chỉ có 4 máy vi tính. Lúc đầu, Đoàn thị trấn đặt địa điểm tại nhà của cán bộ đoàn để tiện việc trông coi, quản lý máy. Hằng tháng, ngoài phải trả cước phí thuê bao in-tơ-nét hơn 200 nghìn đồng, tổ chức đoàn hỗ trợ tiền thuê địa điểm và quản lý điểm 350 nghìn đồng. Có nhiều tháng, Đoàn thị trấn phải trích quỹ đoàn để lấy kinh phí duy trì hoạt động của điểm truy cập in-tơ-nét. Mặt khác, khi được đầu tư xây dựng điểm truy cập in-tơ-nét, đoàn cơ sở chỉ được hỗ trợ về máy và nối mạng miễn phí, còn các trang thiết bị kèm theo như: bàn ghế, đèn… phải tự đầu tư.
Điểm truy cập in-tơ-nét cho thanh niên ở xã An Sơn (Nam Sách) cũng được đầu tư năm 2009, với số lượng máy vi tính và cơ chế hỗ trợ cước phí như thị trấn Minh Tân. Điểm truy cập đặt tại điểm bưu điện văn hóa xã, mỗi tuần điểm truy cập chỉ mở cửa 3 ngày. Do nhiều người vẫn suy nghĩ việc sử dụng in-tơ-nét là chỉ để "chat", game nên nhiều bậc phụ huynh cấm con em mình tới các điểm truy cập in-tơ-nét của thanh niên. Bênh cạnh đó, do chi phí cước thuê bao hằng tháng lớn, nhiều tháng, Đoàn xã phải xin ngân sách xã hỗ trợ điểm truy cập. Số lượng ĐVTN tìm tới điểm truy cập cũng rất ít. Từ đầu năm đến nay, chỉ có cán bộ trong Ban Chấp hành Đoàn xã có nhu cầu thì tới sử dụng, còn ĐVTN thì không vào điểm truy cập. Anh Nguyễn Văn Miền, Bí thư Đoàn xã cho biết: "Nếu như điểm truy cập in-tơ-nét được chuyển vào trụ sở UBND xã sẽ tạo thuận lợi trong khâu quản lý, hơn nữa không chỉ ĐVTN mà cả các đoàn thể khác cũng có thể sử dụng, tránh tình trạng lãng phí".
Hiện tại, toàn tỉnh có 12 điểm truy cập in-tơ-nét cho thanh niên, nhưng mới chỉ có 3 điểm được xây dựng tại các xã để phục vụ nhu cầu của thanh niên nông thôn. Tại 6 huyện, các điểm truy cập in-tơ-nét được đặt tại Văn phòng giới thiệu việc làm thanh niên ở trung tâm huyện, nên ĐVTN ở các xã ở xa trung tâm khó được tiếp cận với các điểm truy cập này. Do kinh phí hỗ trợ các điểm truy cập in-tơ-nét có hạn nên số lượng máy tính còn hạn chế. Chất lượng máy lại thấp nên thường xuyên hỏng hoặc bị lỗi phần mềm, hầu hết các điểm truy cập đều do cán bộ đoàn trông coi, không thể tự sửa chữa. Hơn nữa, giờ mở cửa của các điểm truy cập chủ yếu vào ngày thường và trong giờ hành chính, lúc đó phần lớn ĐVTN phải đi làm hoặc đi học nên rất bất tiện. Ngoài ra, một số lượng lớn ĐVTN tìm tới các điểm truy cập không phải để tìm kiếm thông tin mà để chơi game, xem phim…
Để khắc phục tình trạng lãng phí này, Đoàn thị trấn Minh Tân đã chuyển địa điểm truy cập in-tơ-nét về trụ sở Đảng ủy thị trấn và nối mạng từ cổng chung của Đảng ủy xã. Chính vì vậy, đến nay, điểm truy cập này của Đoàn thị trấn được hỗ trợ miễn phí, không phải mất cước phí sử dụng dịch vụ, không phải trả tiền hỗ trợ địa điểm thuê mặt bằng nên duy trì tốt hoạt động.
Để các điểm truy cập in-tơ-nét đáp ứng nhu cầu thanh niên nông thôn, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, các cấp bộ Đoàn có thể vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm máy vi tính; nghiên cứu thời gian mở cửa phù hợp với ĐVTN, tránh tình trạng đến giờ nghỉ muốn tìm kiếm thông tin, giải trí thì điểm truy cập lại đóng cửa… Tỉnh đoàn cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng của các điểm truy cập in-tơ-nét; đồng thời cần nhân rộng mô hình để thanh niên nông thôn có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, tìm kiếm những thông tin hữu ích, góp phần xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng thành công các điểm truy cập in-tơ-nét cho thanh niên nông thôn còn góp phần quan trọng thực hiện thành công chương trình kết nối thanh niên qua mạng xã hội của Tỉnh đoàn trong nhiệm kỳ này.
THANH HOA