Giá nguyên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng cao, hàng tồn kho lớn... khiến những làng nghề ở Nam Sách đối mặt với nhiều khó khăn.
Lò sấy nông sản của anh Vũ Đình Hải (ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, Nam Sách)
đang gặp nhiều khó khăn do phải nhập nguyên liệu giá cao
Nam Sách hiện có 8 làng nghề, chủ yếu sản xuất các sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp như: sấy nông sản, sản xuất hương, bún... Làng nghề đã giúp bộ mặt nông thôn Nam Sách thay đổi. Tuy nhiên, người làm nghề ở Nam Sách đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Anh Vũ Đình Hải ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (nơi đã được công nhận là làng nghề chế biến nông sản) cho biết, chưa bao giờ sản xuất ở làng khó khăn như bây giờ. Đây cũng là thời điểm các chủ lò sấy phải nhập nguyên liệu đắt nhất từ trước tới nay. Hiện nay, các chủ lò phải nhập củ tỏi tươi với giá 19 - 35 nghìn đồng/kg ( tùy theo loại tỏi), đắt gấp 1,5-2 lần so với thời điểm này những năm trước. Khoảng 20 lao động làm việc tại lò sấy của nhà anh lĩnh tiền công hằng ngày với mức từ 70-150 nghìn đồng/người (tùy theo công việc). Hằng ngày, anh cần 40-50 triệu đồng tiền vốn để nhập nguyên liệu, trong khi hàng xuất bán không thể thu tiền ngay. Không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, anh phải vay lãi cao của người quen, bạn bè.
Theo ông Hồ Xuân Sở, Trưởng thôn Mạn Đê (cũng là chủ một cơ sở sấy nông sản), mặc dù đang trong thời kỳ lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm, nhưng các cơ sở sản xuất khó vay vốn do quy trình thẩm định của các ngân hàng khắt khe. Những người làm nghề ở Mạn Đê đang rất lo vì thiếu vốn đầu tư cho vụ làm ăn cao điểm diễn ra từ tháng 12 âm lịch đến tháng 4 năm sau. Do nhiều nguyên nhân, các lò sấy nông sản nhỏ, lẻ ở Mạn Đê đã "co" lại, hiện chỉ còn gần 100 lò sấy hoạt động, giảm gần 50 lò so với năm 2010.
Ba thôn An Xá, Đông Thôn, Trực Trì ở xã Quốc Tuấn hiện có gần 100 cơ sở sản xuất hương, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 700 lao động của địa phương. Ông Vũ Đình Quý, Chủ tịch UBND xã cho biết, người làm nghề truyền thống ở xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về vốn, khó tập trung sản xuất theo quy mô lớn, giá nguyên liệu tăng cao, hàng tiêu thụ chậm... Giống như ở Nam Trung, người làm hương ở Quốc Tuấn đang phải nhập nguyên liệu sản xuất với mức giá cao nhất từ trước đến nay. Ông Phạm Công Ngọc, chủ một cơ sở đã sản xuất hương hơn 10 năm cho biết : "Chưa bao giờ giá nguyên liệu nhập vào cao như hiện nay. Nhiều loại nguyên liệu tăng gấp đôi, gấp ba những năm trước". Tuy nhiên, giá bán sản phẩm không thể nâng cao do sức tiêu thụ chậm, cạnh tranh lớn. Ông Ngọc hiện đang vay lãi 700 triệu đồng của anh em, bạn bè để duy trì sản xuất, giữ mối hàng.
Là chủ một sơ cở sản xuất hương có tiếng ở Quốc Tuấn, nhưng chị Trần Thị Tuyết cũng phải "tự bơi" để có nguồn vốn mua máy móc. Dù đã đầu tư hệ thống máy sấy hương, nhưng cơ sở của chị ít sử dụng vì tốn kém gấp ba lần so với tận dụng trời nắng để phơi hương. Chị Tuyết đang muốn đáo hạn món vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để vay thêm 800 triệu đồng đầu tư vào sản xuất nhưng chưa được ngân hàng chấp thuận.
Làng nghề gạch không nung ở thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát là địa phương làm gạch không nung đầu tiên của tỉnh được công nhận làng nghề nhưng hiện chỉ còn thưa thớt vài hộ sản xuất. Lúc cao điểm, Lấu Khê có 150 hộ sản xuất gạch ba banh (chiếm 80% số hộ trong thôn), giờ làng chỉ còn 8 hộ. Thời điểm này, giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí điện chạy máy, chi phí thuê nhân công ngày một cao. Trong khi đó, giá gạch gần như không tăng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Trừ làng nghề gốm Chu Đậu và một số nghề không đòi hỏi nguồn vốn lớn như nghề bún bánh ở Lang Khê, xã An Lâm, nghề mây tre đan ở xã Quốc Tuấn... người dân các làng nghề còn lại đều đang cố gắng phát huy nội lực, thế mạnh để vượt qua khó khăn. Theo ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Sách, lý do khiến các hộ sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề không vay được vốn ngân hàng là vì không đủ khả năng lập dự án sản xuất, kinh doanh để ngân hàng xét duyệt. Huyện chưa có khả năng hỗ trợ người làm nghề. Những hạn chế về hệ thống cung cấp nước sạch, điện sản xuất, ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục cũng tăng thêm khó khăn cho các hộ sản xuất, kinh doanh.
Hơn lúc nào hết, người làm nghề ở các làng nghề ở Nam Sách rất cần được hỗ trợ về vốn, hình thành các liên minh, tổ, nhóm để hoạt động, trao đổi thông tin... để vượt qua khó khăn.
LINH AN