Làng nghề khốn đốn vì thiếu điện

12/03/2011 06:58

Điện bị cắt, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Đối với các làng nghề cũng vậy, việc cắt điện luân phiên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, chi phí cho sản xuất tăng cao, sản xuất sụt giảm...



Mất điện luân phiên khiến các xưởng cơ khí ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) lao đao. Ảnh: Quang Thuận


Những ngày này, về thăm làng nghề cơ khí ở xã Tráng Liệt (Bình Giang), chúng tôi thấy không khí lao động, sản xuất ở đây trầm lặng hẳn. Bình thường, vào dịp này làng nghề rộn rã tiếng quai búa, gò, hàn, tiếng còi xe ô-tô đến giao, nhận hàng. Năm nay, do cắt điện luân phiên từ đầu tháng 3 nên hầu hết các xưởng cơ khí ở đây đều đóng cửa, cho thợ nghỉ làm vào những ngày mất điện. Chỉ còn lại một số ít cơ sở lớn vẫn chạy máy phát điện để bảo đảm tiến độ giao hàng. Để ứng phó với tình trạng cắt điện luân phiên đã được dự báo từ trước, Xí nghiệp Sản xuất cơ khí Thuận Lợi ở khu Hạ, xã Tráng Liệt đã chủ động mua thêm máy phát điện công suất lớn đưa vào sử dụng trong dịp này. Tuy nhiên, không phải chủ cơ sở nào cũng dám bỏ tiền ra mua nhiên liệu phục vụ cho việc chạy máy phát điện, trong thời buổi giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay. Anh Nguyễn Thế Hùng, thợ của xưởng cơ khí Hoàng Xa cho biết: “Suốt từ đầu tháng đến giờ, làm việc ngày có, ngày không. Nhiều lúc cũng định chuyển chỗ khác làm, nhưng lại thôi vì đã gắn bó với xưởng lâu rồi, không đành bỏ đi trong lúc khó khăn này”. Đây cũng là tâm trạng chung của phần lớn những người thợ cơ khí trong làng khi được hỏi về công việc của họ trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay.

Rời xã Tráng Liệt, chúng tôi tới thăm làng nghề mộc ở xã Hưng Thịnh (Bình Giang). Tại khu vực ngã tư Quán Gỏi, nơi tập trung hàng chục cơ sở sản xuất chế biến gỗ nổi tiếng trong vùng, nhưng không khí ở đây thậm chí còn yên tĩnh hơn cả làng nghề cơ khí. Đi dọc các tuyến đường trong thị tứ, chúng tôi không tìm được một cơ sở nào chạy máy phát điện để hoạt động. Phần lớn các cơ sở đều cho thợ chính nghỉ bớt vào những ngày mất điện, chỉ giữ lại một số thợ phụ để tranh thủ làm những công việc không cần đến điện như lau dầu, đục, khắc… Anh Nguyễn Công Hải, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Công Hải cho biết: “Mặc dù cơ sở của tôi có máy phát điện, nhưng cũng không dám cho chạy vì giá xăng, dầu bây giờ cao quá, nếu dùng điện máy phát thì kinh doanh không có lãi, chỉ trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng cần hàng quá gấp thôi”. Cơ sở sản xuất chế biến gỗ Thuận An ở gần đó cũng rơi vào tình cảnh “ngồi chơi, xơi nước” trong những ngày này. Trong khi bà chủ đứng ngoài cửa tán gẫu, thì mấy anh thợ mộc tập trung ngồi hút thuốc, uống nước chè đợi có điện.

Các cơ sở sản xuất mộc trong làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cả thôn Đông Giao có 550 hộ thì có tới hơn nửa trong số đó làm nghề mộc. Từ khi có lịch cắt điện, xã có thông báo gửi tới từng hộ dân trong thôn để người dân chủ động trong sản xuất. Đa phần người dân tỏ ra thông cảm với khó khăn chung, tuy vậy không thể phủ nhận những thiệt hại lớn do tình trạng thiếu điện đối với những hộ làm nghề mộc ở đây. Hầu hết tất cả các công đoạn trong nghề mộc đều phải sử dụng đến điện, ngay cả đến việc đánh giấy ráp bây giờ cũng phải có điện mới làm được. Cuối năm ngoái, hàng hóa bán chạy, nhiều cơ sở sản xuất lớn có điều kiện mua máy phát điện chuẩn bị cho mùa nóng năm nay, nhưng không phải cứ có máy phát là các cơ sở hoạt động bình thường, vì một số máy móc phải có điện lưới mới sử dụng được. Bình quân một cơ sở trong làng có từ 20-30 công nhân, nhưng vì không có điện nên công nhân chán rồi bỏ việc, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng hóa không xuất đi được, nhiều hợp đồng lớn phải hủy bỏ.



Cắt điện luân phiên khiến nhiều hộ làm nghề mộc ở thôn Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) khó khăn

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Hiện, Chủ tịch UBND xã Lương Điền cho biết: “Theo nguyện vọng của nhiều người dân làng nghề Đông Giao, xã cũng đang nghiên cứu để kiến nghị lên cấp trên, đề nghị ngành điện quan tâm, hỗ trợ cho làng nghề để người dân yên tâm, ổn định sản xuất. Mặt khác, xã cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, động viên bà con cố gắng khắc phục, duy trì sản xuất”.

Khi nhu cầu sử dụng điện của người dân lớn hơn mức cho phép, thì việc phải áp dụng cắt điện luân phiên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và ngành điện cũng cần xem xét có những biện pháp ưu tiên cho những làng nghề hoạt động. Trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết thì biện pháp tốt nhất trước mắt đối với người dân ở các làng nghề bây giờ là hãy cố gắng sử dụng điện thật tiết kiệm và chủ động sắp xếp công việc, kế hoạch sản xuất cho hợp lý, tránh những thiệt hại không đáng có.

QUANG THUẬN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề khốn đốn vì thiếu điện