Về xã Thái Thịnh (Kinh Môn) những ngày này, tiếng máy xay giò làm rộn rã một vùng quê.
Vào dịp Tết, lượng giò chả bán ra của các hộ dân xã Thái Thịnh tăng gấp 3-4 lần ngày thường
Bao nhiêu cũng bán hết
Nghề làm giò chả ở xã Thái Thịnh diễn ra quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhộn nhịp nhất. Xã Thái Thịnh có 4 thôn làm giò chả nhưng làng Tống Xá có nhiều người làm nhất. Cả xã có trên 200 hộ làm giò chả. Hộ làm nhiều khoảng 300 kg/ngày, hộ ít khoảng chục cân. Mỗi ngày, Thái Thịnh cung cấp ra thị trường 7-8 tấn giò chả. Ngoài tiêu thụ trong huyện, giò chả nơi đây còn được bán ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Vào dịp Tết, lượng giò chả bán ra gấp từ 3-4 lần ngày thường. “Vào dịp Tết chỉ sợ không có sức làm, giò chả làm ra bao nhiêu cũng bán hết”, ông Nguyễn Tôn Dấu ở thôn Tống Xá nói.
Ngày thường, gia đình ông Dấu làm từ 60-70 kg/ngày, dịp Tết ông làm trên 2 tạ/ngày mà vẫn không đủ giò để bán. Hơn 20 năm làm giò chả, vợ chồng ông Dấu đã gây dựng được cơ ngơi khang trang, nuôi các con trưởng thành. “Làm nghề này vất vả lắm. Cả nhà tôi cập rập suốt cả đêm tới sáng. Giò chả không để lâu, làm đến đâu bán đến đó nên buộc phải làm trong đêm mới kịp mẻ hàng bán buổi sáng sớm”, ông Dấu kể.
Một ngày làm việc của ông Dấu bắt đầu từ 1 giờ sáng với việc chọn thịt để làm giò. Từ 28 - 30 Tết, ông Dấu làm việc cả ngày lẫn đêm, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc nên việc làm giò hiện nay đơn giản hơn trước kia. Theo ông Dấu, thịt lợn cho vào máy xay nhuyễn nhưng không phải ai cũng làm được giò ngon. Tỷ lệ nạc, mỡ, gia vị như thế nào cho vừa cần đến sự khéo léo, tinh tế của người thợ làm giò. “Thịt xay quá thời gian làm cho giò bị bở, mất đi độ giòn. Việc canh thời gian, nhìn cối thịt đoán được độ vừa của giò rất quan trọng. Thịt vừa xay xong phải mang đi gói ngay, để lâu ảnh hưởng tới độ thơm của giò", ông Dấu chia sẻ.
Nghề làm giò chả ở xã Thái Thịnh mang lại lợi nhuận cao. Với giá bán buôn 75.000 đồng/kg, mỗi cân giò, người dân lãi 10.000 đồng. Từ ngày 26 - 30 Tết, gia đình ông Trần Văn Nguyên ở thôn Tống Xá làm gần 1 tấn giò chả, lãi gần 10 triệu đồng/ngày.
Giữ cái tâm làm nghề
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tống Xá, tuổi thơ của ông Trần Văn Nguyên gắn liền với tiếng chày và hương thơm của giò chả. Ông Nguyên không biết giò chả làng Tống Xá có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên, ông đã được cha truyền lại nghề. Ông Nguyên kể, ngày trước, để làm được một cân giò cần nhiều công sức. Không chỉ cần sự dẻo dai, kiên trì của người thợ trong việc giã giò mà việc luộc giò cũng rất vất vả. Mỗi ngày, một người chỉ giã được 5-10 kg. Cả nhà ông làm 20-30 kg/ngày nên phải thuê thêm thợ. Giò chả chỉ bán trong xã, ngoài thôn, không bán đi nhiều nơi như bây giờ. Hồi ấy, nhà ông thường luộc giò bằng bếp củi, những ngày củi ướt, khói bếp cay xè mắt. Bây giờ, nhiều công đoạn đã có máy móc hỗ trợ nên việc làm giò thuận lợi hơn rất nhiều…
Theo một số hộ làm giò chả ở xã Thái Thịnh, thịt làm giò phải là những miếng thịt mông, thịt thăn không dính gân, mỡ, miếng thịt phải dẻo, tươi ngon. Bởi vậy, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Con lợn khi giết mổ mà giẫy đạp nhiều, các cơ bị giãn cũng ảnh hưởng tới chất lượng giò.
Nhìn qua, giò chả tưởng là thứ đồ ăn nhanh cho các gia đình nhưng để có được những khoanh giò chả thơm ngon là công sức, là sự cần cù, tỉ mỉ của người làm ra nó. Giò chả Thái Thịnh ngọt mềm mà vẫn giòn thơm. Để có những miếng giò ngon, người làm giò chả ở xã Thái Thịnh luôn giữ cái tâm của người làm nghề. Thịt làm giò chả phải được lấy từ những con lợn khỏe, không pha trộn những nguyên liệu khác.
Chính quyền xã Thái Thịnh mong muốn các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Kinh Môn hỗ trợ để sớm xây dựng được thương hiệu giò chả Thái Thịnh, tạo thuận lợi cho làng nghề ngày càng phát triển hơn nữa.
HÀ NGA