Làng nghề bún trong tỉnh lao đao vì thông tin liên quan đến chất tẩy trắng. Họ mong muốn bún Hải Dương sớm được kiểm nghiệm để người dân yên tâm sử dụng...
Những người bán bún ở chợ Phú Yên (TP Hải Dương) mỏi mòn chờ khách
Những ngày gần đây, thông tin bún có chất tẩy trắng, gây suy gan, suy thận, thậm chí gây ung thư khiến nhiều bà nội trợ lo lắng và loại bún khỏi bữa ăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các làng nghề sản xuất bún ở tỉnh ta gặp khó khăn.
Ế ẩmNhững ngày này, nhiều người dân làng nghề bún Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) lo lắng vì lượng bún tiêu thụ mỗi ngày một giảm. Anh Lê Văn Tần, chủ một cơ sở sản xuất bún ở đây cho biết: "Trước đây, bình quân mỗi ngày cơ sở nhà tôi sản xuất từ 5-6 tạ bún. Bún làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vậy mà 2 ngày gần đây, lượng bún tiêu thụ giảm đến 60%. Hôm trước, tôi mang bún đến đổ tại các cửa hàng ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) vốn là mối hàng quen của gia đình nhưng các nhà hàng này không lấy nữa lại phải mang về. Mỗi ngày, gia đình tôi thiệt hại từ 200-500 nghìn đồng".
Làng Đông Cận có truyền thống làm bún hàng trăm năm nay. Vậy mà thời gian gần đây, cả làng phải lao đao vì thông tin bún có chứa hóa chất độc hại. Chị Nguyễn Thị Uyên, chủ cơ sở bún bánh Thu Uyên cho biết: "Làm bún phải thức khuya, dậy sớm, phải biết nhìn gạo, nghe thời tiết thì mới làm ra được sợi bún dẻo thơm. Vậy mà 2 hôm nay, mỗi ngày mang 30 kg bún ra bán ở chợ Cuối thì tôi phải mang về một nửa. Lúa đã cấy xong, có nghề làm bún để tăng thu nhập thì nay bún chẳng những không bán được lại còn bị lỗ".
Ông Lê Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: "Trước đây, làng Đông Cận chỉ có hơn chục hộ làm bún, đến nay số hộ làm nghề này đã tăng lên hơn 100. Nghề làm bún đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động trong thôn. Bún Đông Cận được đem bán ở hầu khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Mỗi ngày, thôn Đông Cận cung cấp cho thị trường khoảng hơn 10 tấn bún. Nhờ gắn bó với nghề, nhiều gia đình đã giàu lên. Từ làm bún, một số gia đình thu lãi từ 90-100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân của thôn đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Lượng bún tiêu thụ của thôn giảm gần một nửa so với trước đây".
Cùng cảnh với làng bún Đông Cận, làng nghề bún Lang Khê, xã An Lâm (Nam Sách) cũng gặp khó khăn khi người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, thương hiệu bún Lang Khê, chính quyền địa phương và người dân trong thôn đã tích cực sản xuất sạch, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lượng bún sản xuất cũng giảm từ 20-30% so với những tháng trước đó. "Làm nghề bún đã khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ thì nay lại khó hơn do bị người tiêu dùng tẩy chay. Những người vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người dùng đã sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất bún thì đáng bị xử phạt. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng của tỉnh sớm vào cuộc kiểm tra và thông báo chất lượng các sản phẩm bún của làng Lang Khê để những người sản xuất chân chính không phải chịu thiệt", ông Nguyễn Văn Hữu, chủ một cơ sở sản xuất bún của làng nói.
Không dùng phụ phẩm độc hạiÔng Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch UBND xã An Lâm cho biết: "Hiện nay, thôn Lang Khê chỉ còn 10 gia đình chuyên làm nghề sản xuất bún. Mỗi ngày, các hộ cung cấp cho thị trường khoảng 5 tấn bún. Để bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, người dân thôn Lang Khê phải làm cam kết không sử dụng hóa chất độc hại với UBND xã. Những người làm nghề này còn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh thực phẩm do Trung tâm Y tế huyện tổ chức và được cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm. Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm cũng định kỳ lấy mẫu bún tại các cơ sở sản xuất bún bánh của làng đem đi kiểm nghiệm". Khi nhắc tới việc bún chứa hóa chất độc hại, những người làm nghề bún Lang Khê khẳng định: Bún Lang Khê bảo đảm an toàn, không sử dụng hóa chất tẩy trắng. Ông Vương Văn Trinh, người có kinh nghiệm gần chục năm làm bún ở Lang Khê cho biết: "Sở dĩ sợi bún Lang Khê vừa trắng, vừa dẻo là do kinh nghiệm chọn và ngâm gạo. Nước sử dụng làm bún phải trong và sạch. Theo kinh nghiệm của ông thì: gạo làm bún phải ngâm đủ thời gian, ngâm nhanh sẽ làm sợi bún đục và dễ gẫy. Gạo sau khi xay phải được ngâm trong nước sạch. Tất cả các dụng cụ chứa bún đều phải vệ sinh sạch sẽ". Còn theo kinh nghiệm của anh Tần ở thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) thì bún ngon nhờ kinh nghiệm lọc bột, sợi bún vừa dai, vừa trắng. Khi kéo sợi bún thường dai và dính tay, nếu bún cứng, giòn, sợi bún trong và không dính tay... nhiều khả năng người sản xuất đã sử dụng hàn the.
Thông tin bún có hóa chất độc hại khiến sản lượng bún tiêu thụ của gia đình anh Lê Văn Tần ở làng nghề làm bún
Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) giảm 60% so với tháng trước
Bún cá rô đồng Hải Dương đã lọt vào tốp 50 đặc sản nổi tiếng. Làm nên bát bún cá rô ngon ngọt không chỉ là thịt cá, nước dùng mà còn là những sợi bún dẻo thơm. Việc các làng bún bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bún bảo đảm chất lượng cũng góp phần tạo niềm tin từ người tiêu dùng và bảo vệ món ăn nổi tiếng của tỉnh. Người dân các làng nghề bún mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc lấy mẫu kiểm nghiệm và thông báo kết quả rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân yên tâm sử dụng sản phẩm, người làm nghề chân chính cũng yên tâm sản xuất.
Theo các chuyên gia, chất tinopal dùng để tẩy trắng bún dễ dàng nhận biết vì bản thân chất tinopal là màu phát huỳnh quang, để trong bóng tối có khả năng phát ánh sáng. Khi mua bún, người tiêu dùng nên dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất tinopal. Với hàn the, người tiêu dùng có thể dùng que thử hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì trong đó có chứa hàn the. |
LAN ANH