Lặng thầm làm việc trong 6 năm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã hoàn thành bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015.
Các nhà khoa học trong một lần nghiên cứu tại di tích Văn miếu Mao Điền
Đây là bộ sử đồ sộ với khối lượng thông tin khổng lồ, được thực hiện một cách công phu, bài bản và khoa học.
Những trang sách dày công
Là một trong những người đầu tiên tham mưu và trực tiếp tham gia biên soạn bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương, chị Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh vẫn nhớ như in thời khắc bộ sách được nhất trí phát hành. Với chị Huê, bộ sử ra mắt tựa như "ngọn núi trên vai đã được hạ xuống". Sau 6 năm, công sức của biết bao người, từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh nay đã nghỉ hưu cho đến các chuyên gia, nhà khoa học, bộ sử hoàn thiện nhất từ trước đến nay của Hải Dương đã ra mắt.
Là chủ biên bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương tập II (từ năm 905 đến năm 1883), PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Sử học Việt Nam không nhớ hết đã bao lần cùng các cộng sự từ Hà Nội về các làng xã của Hải Dương gặp gỡ, trao đổi với các cụ cao niên, đến các di tích chắt lọc thông tin. Rồi biết bao lần, ông lại từ Hải Dương ngược về Hà Nội đến các trung tâm lưu trữ, các viện nghiên cứu khi được thông báo đã có thêm tài liệu đang tìm kiếm. "Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của các sở, ban, ngành, cơ quan lưu trữ các cấp, nhất là UBND cấp huyện khi đoàn đi khảo sát. Đặc biệt, thông tin chắt lọc được từ các làng, xã, các dòng họ là nguồn tư liệu quý để hình thành nên cuốn sách", PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ cho biết.
Không ít lần, những người biên soạn sách từ Hà Nội về tận các xóm, làng của Hải Dương để thu thập thông tin nhưng lại ra về "tay trắng". Chị Đặng Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Tứ Kỳ nhớ lại, cách đây vài năm khi chị còn là nhân viên đã có thành viên ban biên soạn từ Hà Nội về nhờ khảo cứu thông tin về một chiến sĩ cách mạng từng ở nhà tù Hỏa Lò. "Sau rất nhiều ngày lần giở, tìm kiếm ở các địa phương trong huyện nhưng không có bất cứ thông tin nào, anh phải trở về tay không. Thế mới thấy để có được một dòng chữ trên bộ sử chính thống của tỉnh là biết bao công sức của những người biên soạn", chị Thanh Thủy nói.
Để ra đời bộ sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã hàng trăm lần về các làng xã để khảo cứu, sưu tầm tư liệu
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn
Để có hơn 2.000 trang sách, trong 6 năm, hàng trăm cuộc tham vấn, điền dã của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã diễn ra. Có những đoàn đi theo tổ chức, có những đoàn hoặc thành viên đi nhỏ lẻ về các làng quê, xuống các dòng họ, nhà thờ, di tích. Từng dòng thông tin chắp vá ban đầu đã được gói lại một cách bài bản và khoa học.
Trong 6 năm đó, ở tỉnh với nhiều cuộc họp báo cáo, xin ý kiến đã được tổ chức, tất cả vì mục tiêu bộ sử đồ sộ nhất về tỉnh Đông ra mắt bạn đọc trang trọng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, khoa học, khách quan và tính chân thực. Sau 6 năm thực hiện, Ban Chỉ đạo đề án đã tổ chức 4 cuộc họp để nghe cơ quan thường trực là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chủ biên báo cáo. Tổ chức 5 cuộc họp để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh, 5 cuộc họp xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các nội dung công việc. Trong 6 năm đã thành lập 4 Hội đồng Xét duyệt thuyết minh và đề cương chi tiết, 4 Hội đồng Nghiệm thu cấp cơ sở, 1 Hội đồng Nghiệm thu cấp tỉnh. Nhiều lần tổ chức xin ý kiến Ban Chỉ đạo, Hội đồng biên soạn, một số sở ngành, cá nhân; 2 lần tổ chức xin ý kiến độc lập đối với Hội Sử học tỉnh.
Trước khi tổ chức lễ ra mắt bộ sách, trả lời báo chí, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định, bộ sách là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn bắt nguồn từ văn hóa mà chúng ta cần phải phát huy để tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện khát vọng phát triển của Hải Dương. Vì vậy các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và các huyện, thành phố, thị xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị của cuốn sách.
Bộ sách Lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015
Còn theo GS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, việc ra mắt 4 tập sách được coi là một sự kiện đối với tỉnh Hải Dương. Không phải địa phương nào cũng có điều kiện thực hiện nhanh chóng, khẩn trương một bộ sử như vậy. Đó là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Tại buổi ra mắt bộ sách, GS.TS Nguyễn Văn Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, người con quê hương Nam Sách, đồng chủ biên tập III cho biết việc thực hiện một số tập sách gặp không ít khó khăn trong công tác khai thác tài liệu, nhất là giai đoạn từ khởi thủy đến năm 905. Tuy vậy, vượt qua tất cả, bộ sách đã được in ấn, xuất bản bảo đảm chất lượng và khoa học.
Bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương từ khởi thủy đến năm 2015 là một công trình khoa học bước đầu tổng kết và rút ra những bài học lịch sử trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước qua các thời kỳ, nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết đấu tranh, anh hùng bất khuất cùng tinh thần cần cù lao động, thông minh sáng tạo xây dựng quê hương của nhiều thế hệ người Hải Dương trong lịch sử.
CẨM GIANG