Từ một nghề phụ, đến nay nghề làm hương ở Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách) đã phát triển thành một trong những nghề chính, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất hương của ông Lương Quang Cẩm giải quyết việc làm cho 20 lao động nông nhàn
Bứt lên từ nghề phụ
Về Tống Xá những ngày này, không khí sản xuất hương tất bật chẳng kém dịp trước Tết Nguyên đán. Nhìn sự phát triển của nghề hương ở Tống Xá hôm nay, ít ai biết trước đây nó vốn chỉ là một nghề phụ lúc nông nhàn.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Bí thư Chi bộ thôn Tống Xá cho biết cây hương bén duyên với đất Tống Xá từ năm 1997. Gia đình ông Lương Quang Minh và bà Trần Thị Chỉ là hộ đầu tiên mang nghề hương về đây.
Từ gia đình ông Minh, thấy tiềm năng của nghề làm hương, một số hộ khác trong thôn bắt đầu tìm tòi, học nghề rồi phát triển thành nghề phụ.
Ông Lương Quang Cẩm - người đã có 11 năm làm hương cho biết trước kia vợ chồng ông cấy mấy sào ruộng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Thấy nghề làm hương có thể tận dụng thời gian nông nhàn, vợ chồng bàn nhau sang xã Quốc Tuấn học nghề rồi về tự làm, tiêu thụ ở các chợ quanh vùng. Thời gian đầu, vợ chồng ông tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Không có thị trường, vợ chồng ông lóc cóc xe đạp khắp các tỉnh miền bắc giới thiệu, bỏ mối.
Đó cũng là thực trạng chung của các gia đình làm hương ở Tống Xá lúc bấy giờ. Nhưng trời không phụ lòng người. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực sáng tạo, đưa máy móc vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hương Tống Xá đã từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường. Từ chỗ tiêu thụ nhỏ lẻ, nay hương Tống Xá được các đại lý lớn khắp nơi đặt hàng.
Hàng hóa sản xuất vào dịp Tết Nguyên đán thường không đủ tiêu thụ. Nhiều gia đình đã đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, đa dạng mẫu mã giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Cơ sở của ông Lương Quang Cẩm là một ví dụ. Co sở này hiện đã có 8 máy làm hương hoạt động liên tục, giải quyết việc làm cho 20 lao động nông nhàn với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Qua tìm hiểu thị hiếu khách hàng, cơ sở của ông Cẩm đi sâu sản xuất hai loại hương mang vị hương bài và thuốc bắc. Từ làm hương, mỗi năm cơ sở của ông thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Sắc mới làng nghề
Nghề làm hương đã giúp cho nhiều gia đình thôn Tống Xá có được cuộc sống ổn định
Từ tiềm năng của nghề làm hương, cuối năm 2015-2016, được sự hỗ trợ kinh phí từ tổ chức APHEDA (Úc) thông qua dự án dạy nghề cho phụ nữ nghèo, Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 (Hội Phụ nữ tỉnh) đã mở 6 lớp dạy nghề hương cho 150 phụ nữ thôn Tống Xá và thành lập 6 tổ nhóm sản xuất. Các học viên được dạy nghề và làm việc trực tiếp tại 6 cơ sở sản xuất hương này. Họ được chủ cơ sở cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm hoặc nhận gia công cho cơ sở và ăn lương khoán theo sản phẩm. Với phương thức trên, tranh thủ lúc nông nhàn, trung bình mức lương của lao động thạo việc đạt từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chị Lương Thị Vân làm việc tại cơ sở hương Cẩm Lên đã 5 năm nay có thu nhập từ 3-6 triệu đồng/ tháng cho biết, ngoài làm nông nghiệp, nghề hương đã giúp gia đình chị có được cuộc sống ổn định.
Đến nay thôn Tống Xá có 12 cơ sở sản xuất hương tập trung, mỗi cơ sở tạo việc làm cho từ 15-25 lao động địa phương. Hiện có hơn 75 hộ dân đang trực tiếp sản xuất và gia công các loại hương, chiếm hơn 25% số hộ trong thôn. Nghề làm hương cũng đang được lớp trẻ tiếp tục kế thừa.
Nghề làm hương phát triển đã làm cho Tống Xá từng bước thay đổi diện mạo. Năm 2018, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở đây đạt trên 18 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của mỗi lao động tiểu thủ công nghiệp hơn 41 triệu đồng/năm. Đầu năm nay, mỗi nhân khẩu đã đóng góp 1,5 triệu đồng mở rộng 2 km đường bê - tông to đẹp. Năm trước, nhân dân cũng ủng hộ hơn 1 tỷ đồng xây dựng đình làng bề thế rộng 160 m2, được khánh thành vào đầu năm nay.
Ngày 27.1, làng nghề làm hương Tống Xá đã vinh dự được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề. Đây là cơ hội giúp nghề làm hương nơi đây phát triển thịnh vượng, tạo điều kiện giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
NGỌC HÙNG