Những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa trong cuộc vận động ủng hộ người nghèo, không chỉ góp phần cải thiện đời sống của những người kém may mắn, mà còn mang ý nghĩa chính trị-xã hội nhân văn sâu sắc.
Người có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình có người khuyết tật, người già... nhận quà tại chợ nhân đạo
Năm 2020, tròn 20 năm Việt Nam triển khai cuộc vận động ủng hộ người nghèo trên cả nước. Những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa trong cuộc vận động này, không chỉ góp phần cải thiện đời sống của những người kém may mắn, mà còn mang ý nghĩa chính trị-xã hội nhân văn sâu sắc, góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết, nhân ái của người Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch COVID-19.
Vì một xã hội đoàn kết, tương thân tương ái
Ngay từ đầu năm, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới, Chính phủ đã kịp thời ban hành và áp dụng những chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là người nghèo, người lao động bị mất việc… Ngoài mức trợ cấp thường xuyên, các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề còn được hỗ trợ thêm để đảm bảo đời sống cơ bản ở mức tối thiểu. Trong đó, các các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được hỗ trợ thêm một triệu đồng/hộ/tháng, thể hiện rõ thông điệp lớn của Đảng và Nhà nước ta, vì một xã hội đoàn kết, tương thân, tương ái, vì mục tiêu “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính, công tác tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức tự giác phòng tránh dịch bệnh đối với những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật cũng được quan tâm đẩy mạnh, giúp họ có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như của cộng đồng, chung tay cùng hệ thống chính trị quyết tâm chiến thắng đại dịch, sớm ổn định cuộc sống.
Chính trong khó khăn, truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam lại được thổi bùng lên bằng những hoạt động sẻ chia, tương thân, tương ái của cả cộng đồng. Không chỉ phụ thuộc vào chính sách và nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước, công tác chăm lo cho người nghèo còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội. Dù phải vừa phòng chống dịch, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, nhưng với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động, ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" được hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, gần 400 nhà đại đoàn kết đã được xây dựng, hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ về giống, phương tiện sản xuất, khám chữa bệnh, được nhận những phần quà khi tết đến, xuân về... Cùng với đó, chỉ sau vài tháng phát động, Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam" cũng đã nhận được hàng trăm tỷ đồng hiện vật và tiền mặt ủng hộ. Nhờ đó, nhiều công trình nhà văn hóa đa năng đã được xây dựng hoàn thiện, là món quà thiết thực, ý nghĩa, góp phần chia sẻ những khó khăn, phục vụ đời sống của quân và dân trên các huyện đảo xa xôi của Tổ quốc.
Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, công tác xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam được kiểm soát, đời sống người dân ổn định, cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, vùng cao đã được cải thiện; các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống ngày càng hoàn thiện. Trong giai đoạn 2016-2019, đã có gần 17.800 công trình hạ tầng thiết yếu được khởi công mới và đầu tư chuyển tiếp từ giai đoạn trước, trong đó khoảng 15.000 công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi rõ rệt tình hình kinh tế-xã hội tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo… Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm xuống còn 3,75%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn 27,85%. Dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 2,75%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 24%.
Giảm nghèo - trách nhiệm của toàn xã hội
Có thể khẳng định, nếu một quốc gia không giải quyết dứt điểm tình trạng đói nghèo sẽ ẩn chứa nguy cơ phát triển không bền vững, thậm chí dẫn đến những hậu quả bất ổn về kinh tế-xã hội. Chính vì thế, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững. Sau 45 năm độc lập và 34 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu lớn, là một điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tháng 11.2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).
Từ thực tế chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2014, Việt Nam đã xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2015, Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Theo đó, ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo còn có 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận với 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Là một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện còn 5,23% hộ nghèo, tương đương 1,3 triệu hộ gia đình. Với tỷ lệ hiện nay, tốc độ giảm nghèo trên 1,5% đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao là từ giảm từ 1,3-1,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn cao. Đáng chú ý, trong số 900.000 người khiếm thị và 1,1 triệu người khiếm thính trong cả nước, có khoảng 400.000 người thuộc diện "nghèo kinh niên", rất cần sự chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các cấp, các ngành để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo TTXVN