Gần đây, các giao dịch lan đột biến được rao đến chục, thậm chí trăm tỷ đã khiến giới làm ăn ngưỡng mộ vì nhiều doanh nhân làm dự án vài tỷ cũng phải vay ngân hàng. Vậy mà...
Tạ Thị Suối Vân bị Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) bắt giữ cùng những giò phong lan đột biến giả - Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, một số ngân hàng cho biết không rót vốn cho người trồng lan đột biến.
Mua bán tiền tỷ nhẹ như lông hồng
Thời sự nóng nhất gần đây là chuyện một chủ vườn lan ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội "ôm 200 tỷ đồng bỏ trốn", rồi có thông tin khác nói con số lên đến 700 tỷ, sau khi nhận các đơn hàng bán lan đột biến.
Đến chiều 16.4, người chủ vườn đã xuất hiện làm việc với cơ quan chức năng và xác nhận có giao dịch mua bán lan đột biến với một số người, nhưng số tiền thấp hơn nhiều so với con số được tung ra trên các mạng xã hội. Chưa kể, người này khai báo mình cũng là nạn nhân của cơn sốt đầu tư mua bán lan đột biến, nên phải tạm lánh mặt một thời gian ngắn vừa qua vì bị đòi tiền nhiều quá.
Ông L.N.M. (trú ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) lặn lội ra Quảng Ninh để mua một giò lan có tên Năm cánh trắng Bạch Tuyết. Giò lan ông M. mua được là một cây lan phi điệp, dài như cây đũa với giá tiền tỷ.
Theo ông M., đây là một trong những cái tên "hot" được các chủ vườn lan săn lùng để đầu tư. Giá tính theo centimet khoảng 50 triệu đồng/cm. Anh Đặng Tiến Thành, chủ một vườn lan ở TP Uông Bí (Quảng Ninh), nhìn nhận sau rất nhiều giao dịch "lố", báo chí và cơ quan chức năng cảnh báo, thị trường lan đột biến ảm đạm trông thấy.
Tuy nhiên, chủ vườn này cũng khẳng định tuy có ít người chơi mới, nhưng những người đã đầu tư lan đột biến vẫn giao dịch bình thường.
Thời gian gần đây, hàng loạt "phi vụ" chuyển nhượng lan với giá khủng nhiều chục tỷ đồng bị cơ quan chức năng phanh phui đến 99% là giao dịch "ảo". Đỉnh điểm là vụ mua bán lên tới 250 tỷ đồng. Nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, chủ vườn lan tiết lộ số tiền 250 tỷ đồng là giá trị hợp đồng cung cấp 5.000 cây giống cho đối tác.
Chơi lan tiền tỷ được mấy người?
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định xét về góc độ đầu tư thì giá trị của cây lan sẽ phụ thuộc vào độ quý hiếm, độc nhất của nó, càng quý hiếm càng lạ thì giá trị sẽ càng cao. Nhưng lan đột biến nếu không phải trường hợp dị biệt thì cũng sẽ không hiếm gặp, nên nguồn cung sẽ không quá hạn chế.
Tìm hiểu về đầu tư vào lan đột biến, anh T. (dân chơi lan sành sỏi ở Hà Nội) nhận định thẳng thắn: "Nếu có thật thì cũng cần tìm đơn vị uy tín, chứ cả tỷ bạc mà đưa cho mấy ông đa cấp có nước chết. Họ có hội chơi chung, thống nhất năm nay thổi cái này, năm sau thổi cái kia, chiêu trò đa cấp, thổi giá lên, người chơi bị hút vào giống mới vì muốn gia tăng lợi nhuận.
Đừng nên đầu tư hàng đột biến làm gì, nghe mấy người đó toàn đi cắm sổ hết, có bán được cho ai đâu. Như chơi xổ số, lan đột biến trồng ba năm sau mới ra hoa, lúc đó nó chạy đi đằng trời rồi sao tìm được nó. Năm nay đang sốt, nhưng ba năm sau thành đống rác vứt đi. Người thực sự chơi cũng không muốn bán, chủ yếu muốn nhìn mặt hoa, ai muốn làm kinh tế thì vào lướt sóng, thổi giá, hàng đểu mới thổi".
Chính vì vậy những người chơi lan đột biến thứ thiệt cũng tâm tư vì hiện trạng đang xảy ra. Ông Vi Hồng Trọng, chủ vườn lan Sinh Viên ở khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) cho hay thời gian gần đây, khách du lịch nghi kỵ với người trồng lan. Khách đến viếng Đền Hùng rất đông nhưng không ghé vườn lan tham quan như trước nữa.
"Cứ 10 đoàn khách đi qua thì 9 đoàn chỉ trỏ bảo lan lừa đảo, lan tiền tỷ này nọ… Rất buồn!", ông Trọng tâm sự.
Vườn lan của ông Trọng là một trong những vườn lan lớn rất lâu năm ở Phú Thọ. Đây cũng là vườn nhân giống, chăm sóc nhiều giống lan quý như Năm cánh trắng Phú Thọ, Kim, Bướm đại ngàn, Hải Dương, Củ Chi, Hoàng Thảo… Tuy nhiên, nhiều loại lan đột biến ở đây vẫn được bán giá bình dân tầm vài triệu đồng. Cao nhất chỉ là một giò lan Năm cánh trắng Phú Thọ được bán với giá hơn 300 triệu đồng cách đây mấy năm.
Làm ăn tiền tỷ không thể mạo hiểm với rủi ro
Giám đốc khối khách hàng một ngân hàng cổ phần lớn tại TP Hồ Chí Minh cho biết với những thương vụ như thế này chắc chắn không ngân hàng nào dám nhúng tay vào cho vay mà chủ yếu những người mua dùng tiền tươi từ tiền tự có, huy động từ người thân hoặc vay mượn từ tín dụng đen.
"Muốn vay ngân hàng người vay phải có phương án sản xuất kinh doanh, phải có tài sản thế chấp, phương án trả nợ. Ngân hàng cũng phải đánh giá rủi ro thế nào… Chắc chắn không ngân hàng nào mạo hiểm cho vay kinh doanh lan đột biến", vị giám đốc này nói.
Còn chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho rằng theo dõi trên mạng xã hội thời gian qua có thể thấy các đối tượng kinh doanh đã xây dựng kịch bản rất hoàn hảo để kích giá lan đột biến, tương tự như những thương vụ như mua bán thiên thạch, đồng đen… trước đây. Dễ thấy là các đối tượng này tạo sự khan hiếm giả tạo và làm cho người mua nghĩ rằng đây sẽ là thương vụ có một không hai, kẻ tung người hứng để làm giá.
"Những màn livestream, xếp tiền chồng chồng để mua 1 chậu lan đột biến xem qua cũng thấy khó tin, thậm chí có thể nói thẳng là màn kịch lừa đảo vì những người có khả năng kiếm ra chục tỷ, trăm tỷ họ đều là những cao thủ và không ai ngây thơ đem cả gia sản rót vào 1 mầm lan để có nguy cơ trắng tay ngay sau đó", ông Huỳnh Trung Minh nhận định.
Đại diện Agribank TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định không cho vay để kinh doanh lan đột biến. "Thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, ngân hàng chỉ cho vay với các hộ nằm trong hội nông dân của các huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng sau khi thẩm định kỹ. Với những phương án rủi ro như lan đột biến chắc chắn ngân hàng không rót vốn", vị đại diện này nói.
A.HỒNG
Theo Tuổi trẻ