Trong số hơn 200 làn điệu chèo hiện đang được lưu giữ và sử dụng, chủ yếu được hình thành và bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, ca dao, thơ giàu chất văn học đằm thắm trữ tình... Mỗi làn điệu chèo đều có những chức năng biểu cảm, diễn đạt trạng thái của nhân vật trong hoàn cảnh cụ thể của vở diễn...<br><br>
Trong hệ thống các làn điệu chèo truyền thống, điệu hát lới lơ thuộc hệ thống bài ca lẻ, dùng cho đơn ca hoặc đồng ca nữ. Diễn tả tâm trạng vui tươi, lạc quan, thường thấy trong những vai diễn để diễn tả niềm vui của mình trong công việc, cuộc sống và tình yêu. Cũng có khi ca ngợi quê hương, đất nước, cảnh lễ hội tưng bừng, say đắm, gửi gắm tình cảm tha thiết của mình với cảnh vật con người mình yêu.
Nó còn diễn tả tâm trạng náo nức vui say, tự hào, có pha chút nhí nhảnh, lúng liếng... của các cô gái.
Đây là một làn điệu đa dụng. Có thể dùng trước khi mở màn gây chú ý của khán giả, hay đóng màn để sang màn khác. Cũng có khi hát cá nhân, tả tâm trạng niềm vui của nhân vật. Lại có thể dùng cho một tốp nữ hát múa, khi chào mừng một sự kiện của quê hương, như chào mừng ngày bầu cử, đón huân chương... Có soạn giả trước khi cho nhân vật ra sân khấu là tiếng hát bay ra trước. Nói tóm lại, chỉ khi vui, thể hiện tâm trạng hứng khởi, hát làn điệu này mới hiệu quả.
Từ xưa, các nghệ nhân đã sáng tạo ra một trổ hát bao gồm hai câu thơ lục bát (6-8). Nó được nhắc lại, lặp lại cho đến hết cả bài. Khi diễn viên hát tốc độ bình thường thì giai điệu êm ái, véo von, uyển chuyển, gợi tả nỗi niềm nhớ nhung, thiết tha, lưu luyến. Nhưng khi hát với tiết tấu nhanh thì chất thương nhớ sẽ bị mờ đi. Khi đó tâm trạng lại rộn ràng, hứng khởi, réo rắt bay lên. Vì thế, các đạo diễn phải chú ý tâm trạng nhân vật khác nhau mà có cách xử lý cho tốt.
Đặc điểm của điệu hát là có những nốt rất cao, ngân dài. Ví dụ như câu hát trong vai diễn Xúy Vân giả dại: "Ta đi à đi chợ dốc, tề tề ngồi i gốc gốc cây đa/Thấy í i cô yếm thắm, mặc áo nâu già... Trong đó có những ca từ "thấy i í cô”, chữ í tương ứng với nốt nhạc “PHÁ”, cao vút lên, nhưng sau đó lại xuống câu "mặc áo nâu già”, chữ già tương ứng với nốt nhạc “LÀ” trầm hẳn. Vì thế, khi hát đòi hỏi diễn viên phải có giọng tốt, quãng giọng rộng và cao thì mới có thể hát được. Những người chất giọng thấp, quãng hẹp thường lo lắng khi gặp điệu hát này.
Tuyển sinh vào các trường nghệ thuật, hoặc tuyển diễn viên vào đoàn nghệ thuật, các thí sinh phải thi làn điệu lới lơ...
Sáng tác ca từ cho điệu lới lơ không khó. Suy cho cùng nó có nguồn gốc từ câu thơ lục bát được biến thể, mở đầu bằng câu 6 kết bằng câu 8. Nhiều người đơn giản nghĩ rằng, cứ viết câu thơ lục bát là hát được. Không phải như thế. Bạn phải chú ý tới giai điệu và cách gieo vần cho đúng chỗ. Nếu gieo vần sai, sẽ không hát được. Ví dụ câu thơ như sau, diễn viên rất dễ hát: "Đi trong hương lúa hôm nay/Thấm bao mưa nắng, tháng ngày gian nan (chú ý là chữ thứ 6 của câu 8 phải là vần bằng, thanh huyền).
Nhưng không làm chủ được giai điệu, soạn giả viết: "Đi trong hương lúa hôm nay/Thấm bao mưa nắng, đắng cay mặn nồng..." Sẽ không hát được (vì chữ thứ 6 của câu 8 tuy cũng là vần bằng, nhưng là thanh không).
Bên cạnh đó, soạn giả cần phải có tâm hồn thơ để viết những ca từ giản dị nhưng có hình ảnh, không sáo rỗng, khô khan như là hô khẩu hiệu. Lại phải có kết cấu chắc. Số lượng trổ hát trong một bài sao cho đủ nội dung cần thể hiện. Bạn phải biết cách tìm những chữ có nội dung mới mẻ để thay cho những tiếng đệm hư từ: i, hi hi, ới a, dậu mà, tình này... Ví dụ từ câu thơ lục bát: "Quê hương lúa chín lên hương/Máy reo rộn rã công trường - niềm vui!". Người soạn giả đã tìm thêm những từ ngữ có vần điệu, có hình ảnh để thay cho những tiếng đệm ii, này là, dậu tình (22 từ in đậm) để thành một câu hát hoàn chỉnh: "Quê hương i bao yêu mến, mùa mùa lúa chín, hoa thơm/Bao vườn đồi vải nhãn lên hương/Máy reo, kìa tiếng máy reo rộn rã/nhà máy công trường, trong say đắm niềm vui".
Có một điều ít người để ý là trong nghệ thuật chèo một bài hát nhưng có nhiều tên gọi làn điệu khác nhau. Ví như điệu “Đường trường trong rừng”, còn gọi là “Đường trường trên non”. Điệu “Nhân khang” hay gọi là “Vỡ nước”; làn điệu “Luyện năm cung" nhưng có sách viết “Đào lý một cành”. Điệu “Hà vị” có người gọi là “Chèo quế”... Các nhà nghiên cứu chèo Việt Nam cho rằng: có những bài hát chỉ có tên bài, không có tên làn điệu. Chẳng hạn từ một bài hát tả cảnh Xuý Vân giả dại vì bị phụ tình trong đó có những câu: “Con gà rừng, ăn lận qua lối nọ bên sông" mà thành tên làn điệu “Con gà rừng”. Rồi từ một câu ca dao "Thiếp tôi trả lại cho chàng, chàng càng phụ thiếp, thiếp càng đội ơn…”, thế là các nghệ nhân tự đặt thành tên làn điệu “Thiếp tôi trả lại cho chàng”. Gọi là điệu lới lơ có thể cũng xuất phát từ những ý trên. Theo sách “Những làn điệu chèo cổ chọn lọc” của hai tác giả Hoàng Kiều và Hà Hoa thì lới lơ là tiếng đệm riêng của điệu hát, không có nghĩa. Như thế là để người ta phân biệt với các làn điệu khác mà thôi.
Tôi đã từng sử dụng làn điệu này trong hoạt cảnh ngắn, và trong vở dài. Dùng đúng chỗ sẽ tạo hiệu quả trong lớp kịch. Cũng vì mỗi trổ hát là một câu thơ lục bát, nên viết trọn vẹn một ca khúc, đầy đủ nội dung cần miêu tả thì giai điệu lặp lại nhiều lần sẽ không hấp dẫn. Lới lơ hay và tình cảm như vậy, nhưng ít khi soạn giả viết trọn một bài. Thế nên dùng làn điệu này phải kết hợp với làn điệu khác cho đủ độ dài một ca khúc chèo 4-5 phút.
Nghệ sĩ Ưu tú KHÚC HÀ LINH