Lần đầu tiên 'nuôi' được xương trong phòng thí nghiệm

16/09/2017 09:05

Các nhà khoa học Ireland vừa tìm ra phương pháp nuôi mô xương trong phòng thí nghiệm bằng cách gửi các xung động qua tế bào gốc.




Bề mặt xương dưới kính hiển vi - Ảnh: GETTY IMAGES


Theo báo Independent (Anh), thành tựu mới kỳ vọng sẽ được sử dụng trong tương lai nhằm thay thế hoặc khắc phục những phần xương bị tổn thương trong cơ thể người.

Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ vốn được phát triển nhằm dò tìm sóng hấp dẫn để tạo ra mô ghép xương có phần mô được chỉnh sửa.

Xương là phần mô ghép nhiều thứ hai sau máu và thường được sử dụng trong các phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật hàm mặt.

Tuy nhiên, hiện tại các bác sĩ phẫu thuật mới chỉ thu được một số lượng xương hạn chế từ chính người bệnh để sử dụng cho các ca ghép mô xương. Xương của những người hiến khác phần lớn thường bị cơ thể người bệnh đào thải.

Do đó, với thành tựu nuôi được mô xương 3 chiều (3D) trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học Glasgow, Strathclyde và West of Scotland hi vọng kỹ thuật mới sẽ giúp giải quyết được vấn đề đào thải trong khi ghép.

Các nhà khoa học đã có thể ứng dụng công nghệ nuôi xương này để cứu được một chân của chú chó, khiến con vật không bị cắt chân. Họ hi vọng có thể bắt đầu các thử nghiệm với người trong khoảng 3 năm tới.

Báo cáo nghiên cứu về thành tựu đột phá này đã được công bố trên ấn phẩm mới nhất của tạp chí chuyên ngành Nature Biomedical Engineering.


D. KIM THOA (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lần đầu tiên 'nuôi' được xương trong phòng thí nghiệm