Lần đầu làm phóng sự

21/06/2018 15:08

Đằng sau hành trình tác nghiệp, sau mỗi tác phẩm luôn ăm ắp những kỷ niệm nghề của mỗi phóng viên.


Phóng viên Báo Hải Dương tác nghiệp tại nhà hậu vệ Vũ Văn Thanh trong trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018

Với một phóng viên chập chững vào nghề như tôi, lần đầu tiên hoàn thành tác phẩm cho trang Phóng sự - ghi chép là niềm vui khó nói hết thành lời. Có thể đó vẫn chưa là sản phẩm chất lượng tốt nhưng là kỷ niệm tôi không thể nào quên. 

Để có được một phóng sự, người viết phải có hiểu biết, trải nghiệm nhất định về đề tài và có cả “cái tôi” cảm xúc trong đó. Muốn vậy, ngoài việc thực hành tốt nghiệp vụ báo chí, người viết cần có kiến thức về lĩnh vực, đi sâu vào thực tế. Những điều này được xem như thử thách đối với các phóng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm như tôi. Phóng sự đầu tiên tôi thực hiện viết về người sở hữu trang trại chăn nuôi thông minh ở thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng). Chỉ từ 18m2 chuồng trại, sau 20 năm, anh Bùi Mạnh Cường đã gây dựng cơ ngơi hoành tráng, với trang trại rộng 5,1 ha, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Nhưng không phải chỉ đến một lần là tôi có thể hoàn thành được bài phóng sự. Cho dù đã “mục sở thị” quy trình quản lý lợn, nghe anh Cường giới thiệu cặn kẽ, tôi vẫn phải quay lại trang trại để tìm thêm một vài góc chụp, bổ sung ảnh minh họa cho bài viết. Qua đây tôi cũng tự rút ra bài học cho mình là khi tác nghiệp ngoài việc khai thác thông tin cũng cần chú ý tới ảnh minh họa. Phải tư duy bối cảnh, góc chụp như thế nào cho phù hợp, tránh mất thời gian và bị động.  

Có được thông tin nhưng thể hiện làm sao cho thật hấp dẫn cũng là một cái khó đối với phóng viên trẻ. Bài báo đến tay bạn đọc, không chỉ là công sức của tác giả mà đằng sau còn có sự hỗ trợ của cả một đội ngũ biên tập…

Hơn 1 năm làm báo, với tôi chỉ là những bước khởi đầu nhưng tôi nhận thấy giữa kiến thức được học và thực tế công tác là khoảng cách rất xa. Có những bài học làm nghề mà chỉ trường đời mới dạy, bài học đó hiện hữu qua mỗi chuyến đi, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mà tôi từng gặp gỡ... 

HÀ NGA

Cả nhà cùng đi cơ sở

Sáng thứ bảy một ngày đầu tháng 6 này, tôi đưa hai con nhỏ đi chơi bù cho Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 do hôm đó vào đúng ngày làm việc nên không thể nghỉ. Hai cháu rất háo hức. Thường ngày, thời gian để tôi ở gần các con không nhiều vì đặc thù công việc của một phóng viên luôn bận rộn, thường xuyên phải đi công tác.

Khi 3 bố con đang trên đường đến một khu vui chơi, giải trí ở TP Hải Dương thì tôi nhận được cuộc gọi của người dân ở cơ sở nghi ngờ một công ty bán hàng đa cấp trên địa bàn có dấu hiệu lừa đảo. Tôi khẩn trương báo cáo với lãnh đạo cơ quan và xuống cơ sở nắm bắt thông tin. Vì sự việc quá gấp nên tôi hỏi các con có thể đi cùng bố không và các cháu nở nụ cười đồng ý. Ba bố con chúng tôi trên chiếc xe máy “cà tàng” đi thẳng về UBND xã nơi xảy ra vụ việc.

Tại đây, đại diện người dân, phía doanh nghiệp và lãnh đạo xã đã có mặt đông đủ. Không khí khá căng thẳng khi người dân và công ty liên tục đưa ra những nội dung khác nhau. Ai cũng khăng khăng mình đúng. Sau khi giới thiệu, tôi đề xuất với lãnh đạo địa phương nên cho các bên phát biểu ý kiến một cách trật tự, tập trung để hiểu rõ hơn các nội dung. Sự việc là có một công ty chuyên tư vấn, cung cấp thiết bị rèn luyện sức khỏe và thực phẩm chức năng đã đề nghị với UBND xã được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho hội viên người cao tuổi của địa phương trong 7 ngày. Công ty cũng cam kết không bán các loại thuốc chữa bệnh trong thời gian này. Tuy nhiên, một số người dân đã nhờ nhân viên của công ty mua giúp một số thực phẩm chức năng. Việc này khiến một số người dân hiểu lầm tưởng doanh nghiệp có hoạt động lừa đảo để các cụ cao tuổi mua hàng giống như một số trường hợp bán hàng đa cấp đã được phản ánh trên mạng xã hội. Tại buổi làm việc, đại diện phía công ty đã nhận lỗi trước người dân và chính quyền địa phương, đồng thời xin rút kinh nghiệm và cam kết không để xảy ra những hành động tương tự. Nhờ vậy, những mâu thuẫn và hiểu lầm đã được giải quyết thấu tình, đạt lý. Trong cả quá trình làm việc, các con tôi đều ngồi ngay ngắn, chăm chú. 

Trên đường về, con gái tôi vô tư nói: “Hôm nay bố rất oách. Các bác ấy ai cũng nghe theo bố. Sau này, con cũng muốn làm nhà báo để được đi đây, đi đó như bố”. Câu nói của con tuy ngây thơ nhưng làm tôi rất vui, giúp tôi thêm cố gắng để thực hiện tốt công việc.

LÊ ĐỨC TÂM

Gặp sự cố do mải cổ vũ bóng đá

Lần đầu tiên cầm máy quay đi tác nghiệp tôi đã có một kỷ niệm đáng nhớ. Hôm đó, tôi được phân công cùng một đồng nghiệp ghi nhận không khí cổ vũ nồng nhiệt của người dân TP Hải Dương khi diễn ra trận bán kết Giải vô địch bóng đá  U23 châu Á 2018 giữa Việt Nam và Qatar. Để thực hiện clip này, chúng tôi phải đi nhiều quán cà phê, hiệu ăn, nhà dân... để lấy tư liệu. Dù đã được chị đồng nghiệp đi cùng hướng dẫn rất chi tiết cách sử dụng máy quay phim cỡ to, nhưng hòa trong không khí háo hức xem đội tuyển Việt Nam đá nên tôi quên béng những lời dặn dò. Đến lúc cần ghi hình, tôi lóng ngóng không biết sử dụng máy quay ra làm sao. Toàn bộ hình ảnh quay buổi hôm đó đều hỏng hết, không dùng được cảnh nào. Sự vất vả của cả ngày phải chạy hết con phố này đến con phố khác đã bị tôi biến thành công cốc. Tôi không những tiếc công mình, ái ngại với đồng nghiệp mà còn cảm thấy rất hối tiếc chỉ vì mình sơ suất đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Sau ngày đó, tôi đã tìm cách học hỏi các đồng nghiệp, tham khảo thêm tài liệu nên đến nay, dù vẫn còn khá non tay trong quay clip, nhưng ống kính máy quay lớn đã không còn khiến tôi e ngại như trước. Và tôi tự nhủ mình sẽ luôn phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa để trở thành một phóng viên đa năng.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lần đầu làm phóng sự