Sắp hết thời gian làm thủy lợi đông xuân nhưng tiến độ thực hiện tại nhiều địa phương rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất...
Nhiều địa phương khó hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi đông xuân do chưa nhận được kinh phí hỗ trợ
Thiếu kinh phí
Năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Sơn (Kinh Môn) được giao đào đắp, nạo vét 2.500 m3 bùn đất tại tuyến kênh Bờ Đơm, song đến nay HTX vẫn chưa thể triển khai vì thiếu kinh phí. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX cho biết: "HTX đã làm xong 1.500 m3 tiểu thủy lợi nội đồng bằng tiền đóng góp của người dân tính theo đầu sào. Còn việc nạo vét tuyến kênh dẫn thì rất khó khăn, chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện được. Đây là phần việc nằm trong danh mục hỗ trợ của UBND tỉnh, nhưng HTX chưa nhận được tiền. Vì nguồn kinh phí của HTX eo hẹp, không có tiền ứng trước cho đơn vị thi công nên dù đã đặt vấn đề với một số nhà thầu nhưng họ đều từ chối ".
Số tiền được hỗ trợ làm 2.000m3 thủy lợi đông xuân (TLĐX) từ năm trước, đến nay, HTX vẫn chưa được nhận nên phải đi vay ở ngoài để bù vào. HTX đã kiến nghị nhiều lần mà vẫn chưa được giải quyết.
Kênh Bờ Đơm bị bồi lắng từ lâu, khả năng trữ nước hạn chế. Nếu không được nạo vét sẽ khó bảo đảm nguồn nước đổ ải và tưới dưỡng lúa vụ tới.
Kinh Môn là huyện có tiến độ làm tiểu thủy lợi nhanh nhất tỉnh, nhưng khối lượng TLĐX tỉnh giao mới chỉ có xã Long Xuyên thực hiện. Theo ông Vũ Viết Ngát, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm nay, toàn huyện được giao đào đắp, nạo vét 26.600 m3 kênh dẫn, kênh nổi, bờ vùng và cửa cống, hố hút với mức hỗ trợ 30.000 đồng/m3. Tùy vào điều kiện sản xuất và thực trạng hạ tầng thủy lợi, huyện đã phân bổ kế hoạch cho các địa phương. Nhưng đến thời điểm này, khối lượng thực hiện được rất ít. Nguyên nhân do khối lượng TLĐX bị phân tán, mỗi nơi một ít, máy móc di chuyển không thuận tiện nên các HTX khó thuê đơn vị thi công. Mặt khác, do chưa nhận được tiền hỗ trợ nên nhiều địa phương không có kinh phí thực hiện. Có HTX nợ tiền nhiều năm, phải đi vay lãi để chi trả. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn tạo áp lực lớn cho các HTX.
Để đẩy nhanh tiến độ làm TLĐX, ngoài hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện Cẩm Giàng còn hỗ trợ thêm các địa phương chi phí làm hồ sơ kỹ thuật. Mặc dù vậy, khối lượng TLĐX do UBND huyện làm chủ đầu tư vẫn thực hiện chậm. Ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Để được nhận hỗ trợ, các HTX phải có thủ tục thẩm định nhưng do nhiều nơi không coi trọng vấn đề này nên các cơ quan chức năng khó cân đối kinh phí. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc làm TLĐX tại các địa phương bị chậm tiến độ".
Năm nay, huyện Cẩm Giàng được giao đào đắp, nạo vét 57.000 m3 TLĐX. Hiện tại, huyện mới thực hiện được hơn 25.000 m3 tiểu thủy lợi, các hạng mục được hỗ trợ như nạo vét kênh dẫn nhánh, tu bổ kênh nổi vẫn chưa được triển khai.
Chậm tiến độ
Làm tốt công tác thủy lợi sẽ góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hà Vy
Năm nay, tỉnh có kế hoạch đào đắp, nạo vét hơn 1 triệu m3 TLĐX. UBND tỉnh hỗ trợ 18,7 tỷ đồng cho việc thực hiện hơn 620.000 m3 kênh nổi, kênh dẫn nhánh, bờ vùng và cửa cống, hố hút. Khối lượng TLĐX có hỗ trợ được giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương và UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư. Nhưng chỉ có 2 đơn vị khai thác, quản lý công trình thủy lợi và đô thị triển khai nhanh còn khối lượng giao cho UBND các địa phương thực hiện chậm, thậm chí nhiều nơi vẫn "giậm chân tại chỗ". Chỉ còn 15 ngày nữa là kết thúc thời gian làm TLĐX nhưng khối lượng giao cho các địa phương mới thực hiện được khoảng 20% kế hoạch.
Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, làm TLĐX phải theo thời gian nhất định do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và lịch thời vụ. Nếu chậm trễ, đợi chờ nguồn hỗ trợ từ cấp trên thì sẽ qua mất thời điểm làm TLĐX phù hợp. Vì vậy, nếu các địa phương không có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong làm TLĐX thì sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi, nhất là khi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các địa phương nhanh chóng được nhận kinh phí hỗ trợ.
Để khắc phục khó khăn về kinh phí, bảo đảm tiến độ đề ra, một số huyện đã bàn giao khối lượng TLĐX do địa phương làm chủ đầu tư cho xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi thực hiện. Về lâu dài, nếu các địa phương giao cho HTX phụ trách phải xem xét năng lực quản lý, điều hành của HTX, không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ làm TLĐX như hiện nay. Làm tốt công tác thủy lợi sẽ bảo đảm sản xuất diễn ra thuận lợi và góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
NGUYỄN MƠ