Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi làm thế nào để quy định chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín áp dụng được với các đảng viên?
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí về quy định trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ cấp cao
Chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sáng 1.11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: Hội nghị Trung ương 8 có quy định trách nhiệm nêu gương là “chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín.” Theo Phó Thủ tướng, làm thế nào để quy định này áp dụng được với các đảng viên?
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng từ chức là vấn đề mới, là việc làm tự nguyện, nếu như người được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khỏe, uy tín, vi phạm. Trong Luật Cán bộ, công chức có quy định năm hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, riêng đối với cán bộ có hình thức bãi nhiệm và miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về từ chức.
"Sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, chúng tôi nghĩ rằng Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề từ chức không chỉ có trong các cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, Nhà nước, trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội, Chủ tịch nước... Đây là một vấn đề khá rộng cần nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện," Phó Thủ tướng nói.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí chất vấn các thành viên Chính phủ về vấn đề quy định trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ cấp cao
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành hình thức văn bản như nghị định hướng dẫn cụ thể những văn bản của Quốc hội và những quy định của Luật Cán bộ, công chức. Từ chức có hình thức tự nguyện. Nếu không từ chức mà có những vi phạm, nếu bỏ phiếu không đạt theo quy định thì vẫn bị bãi nhiệm. Cán bộ, công chức nếu có vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay xử lý hành chính, kỷ luật Đảng theo đúng quy định, theo Phó Thủ tướng.
Liên quan đến công tác cán bộ, trước đó, vào chiều 31.10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề sau vụ Trịnh Xuân Thanh và gần đây là vụ xử phạt 100 USD ở Cần Thơ, dư luận lại dấy lên nghi vấn về việc luân chuyển Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho rằng vẫn tồn tại tình trạng tiêu cực trong đánh giá luân chuyển cán bộ rất nghiêm trọng và cứ mỗi khi có một vụ việc lùm xùm thì lại phát hiện ra sai phạm về công tác này. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm về những sai phạm trong đánh giá luân chuyển cán bộ thời gian qua?
Đặc biệt, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, thời gian qua, một số ngành, địa phương để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác cán bộ nhưng không có một trưởng ngành, Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương nào bị xử lý. Ông đặt câu hỏi về vấn đề giải quyết trách nhiệm như thế nào và mong muốn Thủ tướng Chính phủ chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về vấn đề khắc phục những hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Chính trị có Quy định 98-QĐ/TW năm 2017 về vấn đề luân chuyển cán bộ. Theo đó, chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín sút giảm. Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ trong quy hoạch, có phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống, năng lực công tác tốt...
Kết luận 24/KL-TW năm 2017 của Bộ Chính trị về nguyên tắc điều động, phân công bố trí công tác đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với cấp ủy các tổ chức luân chuyển cán bộ xem xét, bố trí cán bộ. Bộ Nội vụ được giao xây dựng cơ chế, chính sách cho cán bộ luân chuyển, trong đó có nhà công vụ, hỗ trợ đi lại, hoạt động phí...
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ đề xuất sắp tới rà soát thực hiện đúng đối tượng luân chuyển theo quy định. Luân chuyển không kết hợp đề bạt bổ nhiệm để tránh tình trạng chạy luân chuyển. Phân cấp cho rõ trách nhiệm của cơ quan đề nghị luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan thực hiện luân chuyển và cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan và có xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo TTXVN