Nhờ mạnh dạn đầu tư sang nuôi rắn mà kinh tế gia đình ông Nguyễn Quy Nghiên (xã Cộng Hòa, Chí Linh) ngày càng được cải thiện. Bình quân mỗi năm, ông Nghiên lãi ròng từ 200-300 triệu đồng từ nuôi rắn.
Nuôi rắn hổ mang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nghiên
Trước đây, ông Nguyễn Quy Nghiên (61 tuổi ở Chi Ngãi, xã Cộng Hòa, Chí Linh) từng qua nhiều nghề, nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Đến năm 1996, ông chuyển sang nuôi rắn. Từ đó, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện.
Loại rắn mà ông Nghiên nuôi là hổ mang. Đây là loại rắn cực độc, song nuôi dễ hơn các loại rắn khác, tỷ lệ trứng ấp không bị thất thoát nhiều. Hiện gia đình ông nuôi hơn 1.000 con rắn thịt và 700 con rắn giống, mỗi năm thu 2.000 quả trứng, tỷ lệ trứng nở tới 95%. Ông Nghiên cho biết, những kinh nghiệm có được đều do ông tự mày mò, nghiên cứu, đúc rút từ thực tế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Nghiên vẫn rất hứng thú với nghề nuôi rắn, phần vì “say nghề”, phần vì nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một con rắn từ lúc ấp nở đến khi xuất chuồng mất khoảng 2 năm chăm sóc, mỗi con trưởng thành nặng khoảng 2,5 - 3 kg, giá bán trung bình 700 - 800 nghìn đồng/kg, rắn giống khoảng 350 - 450 nghìn đồng/kg. Giá bán cao, trừ đi các chi phí, mỗi năm gia đình ông thu khoảng 200 - 300 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Bên cạnh đó, gần đây Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cấp giấy phép vận chuyển nên việc tiêu thụ rắn có phần thuận lợi hơn. Các lái buôn thường tới thu mua rắn ngay tại nhà ông.
Nuôi rắn là một nghề mạo hiểm và rất khó để phát triển rộng rãi, tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có lẽ chính sự say nghề đã giúp cho ông vượt qua nhiều khó khăn, trụ vững với nghề nuôi rắn suốt 15 năm qua.
HỒNG HẠNH