Hơn 10 năm nghiên cứu, ông Võ Minh Khải dốc hết vốn liếng và công sức để làm ra hạt gạo hữu cơ chức năng được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Vốn là kỹ sư cơ khí nông nghiệp, từ lâu ông Võ Minh Khải nhận thấy gạo không chỉ để ăn no, mà còn có công dụng ngăn ngừa bệnh tật. Ý tưởng tạo ra hạt gạo Việt có giá trị dinh dưỡng và chất lượng cao chuẩn quốc tế bắt đầu hình thành. Từ đó, ông tìm tòi, khảo sát thực địa, thử nghiệm nhiều giống lúa để thực hiện ước mơ trở thành người tiên phong làm ra hạt gạo hữu cơ Việt Nam cao cấp.
Ông Khải đã trở thành nông dân thực thụ khi lặn lội qua nhiều cánh đồng ở vùng sâu, vùng xa đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… để chọn lọc trong tự nhiên các giống lúa Việt, nghiên cứu trồng thử ở ruộng rồi đánh giá mức ổn định qua từng mùa vụ. Ông tiến hành trồng các giống lúa đặc thù từ các vùng, trong đó có các loại cho hạt gạo màu tím cẩm, màu đen, màu đỏ, gạo trắng đục sữa, màu trắng trong...
Trong quá trình tìm các loại giống phù hợp, ông tiếp tục đi đến nhiều nơi để tìm ra đất trồng lúa nước mà không bị bón phân hóa học, không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu... Sau những chuỗi ngày rong ruổi, năm 2009 ông Khải quyết định chọn vùng U Minh Hạ, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vì dân cư ở đây thưa thớt, môi trường tự nhiên còn hoang sơ, chưa canh tác.
Gạo hữu cơ chức năng của công ty ông Võ Minh Khải xuất khẩu sang các nước khó tính như Anh, Nga, Singapore, Pháp, Đức, Nauy. |
Suốt 3 năm san ủi, đào kênh mương cải tạo đất phèn, xây dựng nhà máy chế biến ngay trên vùng nguyên liệu... đến nay, công ty của ông Khải đã có một cánh đồng rộng khoảng 320 hecta, chuyên sản xuất lúa hữu cơ sạch, với quy trình canh tác từ nghiên cứu, sản xuất đến chế biến đều khép kín, cơ giới hóa tự động gần 90%.
“Nhiều người khuyên tôi nên từ bỏ vì theo đuổi dự án này đòi hỏi quá nhiều vốn, thời gian, công sức, mà lợi nhuận thu hồi lại chậm. Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi đã xác định con đường mình đi không hề dễ dàng, vả lại trải qua nhiều thăng trầm cùng cây lúa nên thương nó lắm, khó mà dứt ra được”, ông Khải trải lòng.
Ông kỹ sư nông nghiệp kiêm doanh nhân này cho biết, quá trình cho ra thành phẩm gạo hữu cơ chức năng phải kỹ lưỡng từng công đoạn, từ gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch đóng bao đều theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh của quốc tế, được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổ chức châu Âu công nhận. Theo đó, việc canh tác phải đảm bảo không sử dụng loại giống biến đổi gen, cỏ nhổ bằng tay, dụ côn trùng phải bẫy đèn, dinh dưỡng cho cây trồng phải được cung cấp bằng chế phẩm sinh học do một tổ chức quốc tế xác nhận… Trong thời gian này, chuyên gia nước ngoài từ các đơn vị độc lập thường xuyên giám sát để lấy mẫu gạo kiểm định chất lượng.
Ông Khải cho biết thêm, để có hạt gạo hữu cơ sạch mang giá trị dinh dưỡng cao, bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty phải chọn từ một triệu bông lúa nhưng cuối cùng chỉ lấy một bông để theo dõi qua nhiều năm. Sản lượng gạo thông thường cho 6-7 tấn một hecta, nhưng với gạo hữu cơ một hecta chỉ thu hoạch được 1-2 tấn.
Sau nhiều nỗ lực, vào năm 2013, những dòng sản phẩm gạo hữu cơ chính thức có mặt tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước khó tính như Anh, Nga, Singapore, Pháp, Đức. “Cảm xúc thật khó tả khi chứng kiến những lô hàng đầu tiên xuất sang các nước mang thương hiệu gạo Việt”, ông Khải chia sẻ.
Tuy vậy, thời gian đầu khi công ty chào bán sản phẩm rất ít người quan tâm, một phần do giá bán gấp đôi so với gạo thông thường. Ông Khải cùng các cộng sự áp dụng cách “mưa dầm thấm lâu” như giới thiệu thông tin sản phẩm trên website, tại cửa hàng trưng bày của công ty, triển khai các chương trình tham quan thực tế tại nông trại U Minh Hạ. Kết quả, giờ đây nhiều người đã biết đến thương hiệu và đặt hàng nhiều hơn. “Khách hàng nội địa chủ yếu là những người am hiểu về công dụng của gạo hữu cơ chức năng, có tác dụng trị bệnh”, ông Khải nói.
Theo ông Khải, nếu người sản xuất làm đúng tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế yêu cầu thì cánh cửa sẽ rộng mở vì nhu cầu thị trường về sản phẩm này còn khá lớn, dù có sản xuất gấp 10 lần nữa cũng không đủ cầu. Công ty của ông dự định sẽ mở rộng 200 hecta theo hướng liên kết với nông dân để giúp họ tiếp nhận công nghệ gieo trồng theo mô hình nông nghiệp xanh.
"Hơn 10 năm nghiên cứu, gắn bó với cây lúa suốt chừng ấy thời gian, thì việc tạo ra hạt gạo sạch, có giá trị dinh dưỡng, không dùng hóa chất, không làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai là điều tôi tâm đắc nhất”, ông Khải chia sẻ.
Mai Phương
45