Làm giàu trên vùng đất khó

18/01/2013 10:18

Từ năm 2003, khi xã có chủ trương chuyển đổi sang nuôi thủy sản, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.



Anh Đỗ Văn Dược thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Trước đây, cả khu chuyển đổi rộng hơn 30 mẫu của thôn Bình Cách, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) là vùng trũng, đất chua phèn, mỗi năm cấy 1 vụ lúa, năng suất cao nhất cũng chỉ được 30-50 kg/sào. Có lúc, nhiều hộ bỏ ruộng hoang không cấy, để cỏ dại mọc um tùm... Nhưng từ năm 2003, khi xã có chủ trương chuyển khu đất này thành vùng nuôi thủy sản tập trung, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Nhiều hộ đã thoát nghèo, trở nên khá giả.

Khu chuyển đổi này có 29 hộ, hộ ít nhất có 5-6 sào, hộ nhiều có trên 1 mẫu. Khi thực hiện chuyển đổi, các hộ tự đầu tư đào đắp ao, làm đường, lắp đặt hệ thống điện... Những năm đầu, các gia đình nuôi cá truyền thống, trên bờ kết hợp nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả, cây gia vị. Do mới chuyển từ trồng lúa sang chăn nuôi nên các hộ chưa có kinh nghiệm, hơn nữa bệnh dịch thường xuyên phát sinh dẫn tới hiệu quả sản xuất thấp. Năm 2005, một số hộ đã tự vận động nhau đi tìm hiểu và đưa con cá rô phi đơn tính về nuôi ghép với cá trắm, trôi, chép, mè. Trong quá trình nuôi, mọi người thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau.

Hộ anh Đỗ Văn Dược có 5 sào ao. Những năm trước, anh nuôi cá truyền thống, mỗi năm thu lãi chỉ 30-40 triệu đồng. Từ năm 2008 trở lại đây, anh chuyển sang nuôi ghép cá rô phi đơn tính với cá truyền thống. Trên bờ, anh xây dựng 15 ngăn chuồng, mỗi năm nuôi khoảng 200 con lợn siêu nạc và 10 nghìn con gà Cóc trắng. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thịt lợn giảm mạnh, thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng gia đình anh vẫn ước thu từ 1-1,2 tỷ đồng, lãi khoảng 150-170 triệu đồng. Anh Dược cho biết: "Trước đây cấy lúa không đủ ăn, vợ chồng tôi phải đi làm thuê tại các bến bãi. Từ ngày chuyển ra vùng chuyển đổi nuôi cá, chăn lợn, gà, cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều. Vợ chồng tôi đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị phục vụ cuộc sống và quan trọng hơn là có điều kiện để nuôi các con ăn học.

Gia đình ông Nguyễn Trọng Tải, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh cũng có 7 sào ao nuôi cá tại khu chuyển đổi Bình Cách, chủ yếu là cá rô phi đơn tính, chép lai. Năm 2011, gia đình ông Tải thu được 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Năm 2012, thu nhập của gia đình ông được 150 triệu đồng, thu lãi 80 triệu đồng.

Ngoài gia đình anh Dược, ông Tải, ở khu chuyển đổi thôn Bình Cách, gia đình nào cũng sản xuất có hiệu quả. Hộ thu lãi ít nhất cũng được 70 triệu đồng/năm, hộ cao nhất 200 triệu đồng/năm.

Mặc dù các hộ dân ở đây làm ăn hiệu quả nhưng điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Hiện vẫn chưa có hệ thống mương dẫn nước vào khu chuyển đổi, các hộ phải sử dụng máy bơm đưa nước từ hệ thống kênh trạm bơm Cống Gạch vào tận ao. Đã vậy, con kênh này còn chật hẹp, xuống cấp, nguồn nước nhiều khi thiếu hụt. Do vậy, dẫn tới môi trường nước ao nuôi không bảo đảm, một vài lần cá bị dịch bệnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong khi đó, hệ thống đường ra, vào khu chuyển đổi vẫn bằng đất, rất chật hẹp, trước đây do các hộ tự đào đắp, gây khó khăn không nhỏ trong việc đi lại, vận chuyển, thu mua cá, gia súc, gia cầm, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, các hộ dân ở đây chưa được tiếp cận nhiều với kiến thức, khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi và ít nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các ngành chuyên môn... Do vậy, các hộ dân tại khu chuyển đổi mong sớm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành để khắc phục những khó khăn nêu trên, bảo đảm sản xuất ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu trên vùng đất khó