Ông Bùi Văn Nhiên, ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) ngoài năm mươi tuổi, có gương mặt đen sạm vì nắng gió, nhìn ông ít ai nghĩ ông chính là chủ của trang trại có thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
|
Ông Nhiên chăm sóc đàn lợn thịt
|
Sau khi vượt qua con đường cấp phối, chúng tôi ngỡ ngàng trước trang trại rộng lớn của gia đình ông Bùi Văn Nhiên, ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ). Ông Nhiên ngoài năm mươi tuổi, gương mặt đen sạm vì nắng gió, nhìn ông ít ai nghĩ ông chính là chủ của trang trại có thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Năm 1985, sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Nhiên xuất ngũ trở về quê hương và lập gia đình. Với bản chất cần cù, chịu khó, vợ chồng ông đã lăn lộn thâm canh mấy sào ruộng khoán kết hợp với chăn nuôi lợn, gà. Nhưng do ruộng ít cộng với thiếu vốn, các con lại đang tuổi ăn, tuổi học nên kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Ông luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để đưa kinh tế gia đình đi lên. Tận dụng lợi thế ở gần mặt đường, vợ chồng ông mở cửa hàng kinh doanh than củi, rồi chuyển sang làm máy xay xát gạo, kinh doanh lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống gia đình khá dần lên, thôi thúc ông mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2004, từ nguồn vốn tự có, vay mượn anh em bạn bè và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được trên 200 triệu đồng, ông gom lại 2,5 ha đất triều trũng cấy một vụ lúa bấp bênh, thuộc diện tích chuyển đổi, của 45 hộ dân ở thôn Mỹ Ân để xây dựng trang trại. Tiếp đó, ông tham gia chương trình nạc hóa đàn lợn của tỉnh, được hỗ trợ trên 10 con lợn giống siêu nạc. Ông còn đào 7 ao nuôi cá với tổng diện tích trên 1 ha, gồm một ao để nuôi cá giống, các ao còn lại nuôi cá thịt; xây dựng trên 1.000 m2 chuồng trại, với 3 khu riêng biệt, gồm 1 khu nuôi gà, vịt có diện tích trên 200 m2, 1 khu nuôi lợn thịt rộng 500 m2 và một dãy nuôi lợn nái rộng 300 m2. Diện tích còn lại, ông trồng cây ăn quả. Từ năm 2005 đến nay, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có 40 con lợn nái ngoại siêu nạc và 200 con lợn thịt, 300 con gà. Bình quân một năm ông xuất 3 lứa lợn với tổng trọng lượng khoảng 40 tấn, 5 lứa gà, 20 tấn cá và 70 vạn con cá giống. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Trang trại của ông tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập 1,8-2 triệu đồng/ người/tháng và 6-8 lao động thời vụ với mức 70 nghìn đồng/ngày công.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông Nhiên cho biết: "Trong việc phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, khó khăn nhất đối với người nông dân là thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm quản lý và vốn đầu tư. Do vậy, tôi đã không ngừng học hỏi, nắm vững quy trình kỹ thuật, làm tốt khâu chọn giống và chủ động phòng, trừ dịch bệnh, đặc biệt là nhanh nhạy với thị trường, giao lưu chia sẻ với những người xung quanh để có kế hoạch sản xuất phù hợp và phải giữ chữ tín trong việc thực hiện hợp đồng".
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Nhiên còn giúp cho hàng chục hộ nông dân trong và ngoài xã bằng hình thức tư vấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, ứng trước giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo. Hằng năm, ông cũng đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng các quỹ hỗ trợ nông dân, vì người nghèo, khuyến học của xã.
Với những kết quả đã đạt được, liên tục từ năm 2006 đến nay, ông Bùi Văn Nhiên đều đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
P.V