Sông Kinh Thầy mùa lũ đỏ cuộn phù sa. Đèn cao áp của hơn chục bè cá trên sông sáng lấp lóa cả một vùng. Đây là một mô hình làm ăn mới của nông dân Nam Tân.
Các lồng bè nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Trung Tựu
Ở đó có một Bí thư Đảng ủy xã ra "làm nên cơ nghiệp" sau khi nghỉ hưu. Đó là anh Nguyễn Trung Tựu, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Tân.
Trên bãi ven đê, cạnh nhà kho thức ăn cho cá, thấy một ga-ra ô-tô với chiếc Toyota 4 chỗ còn mới, tôi đoán là của anh liền vào hỏi thử. Thế mà đúng thật. Tiếp tôi trên nhà nổi của bè cá, anh Tựu rất ngạc nhiên và cảm động bởi anh đã nghỉ hưu rồi mà vẫn có anh em lặn lội đi tìm thăm nhau. Đã ở tuổi lục tuần, song nhìn anh còn khỏe hơn xưa. Làn da sạm nắng gió, chân tay săn chắc. Tôi chúc mừng anh, bởi cuộc sống mấy năm trước thôi vẫn còn vất vả, mà nay đã khác rồi. Gần 40 lồng cá trên sông đang trĩu nặng hàng trăm tấn cá, cơ ngơi lên tới nhiều tỷ đồng là niềm vui của người lính Quảng Trị năm xưa.
Ngồi trên sông nước gió mát rượi, anh ôn lại những kỷ niệm xưa. Anh đi bộ đội năm 1971, qua khóa huấn luyện bộ binh vẻn vẹn 3 tháng là lên đường vào Nam chiến đấu. Tuổi tròn 18, đầy sức trẻ của trai làng vác súng xông pha các chiến trường. Giữa năm 1972, năm chiến tranh khốc liệt nhất, anh Tựu nằm trong đoàn quân hướng về Thành cổ Quảng Trị. Ai đã trải qua đều không thể quên chiến trường Quảng Trị năm đó như một “cối xay thịt”. Bộ đội ta tiến vào đến đâu, pháo của địch từ hạm đội 7 ngoài khơi dập vùi ngay tới đó. Cho đến tận bây giờ anh vẫn ngỡ ngàng, mưa bom bão đạn là thế mà mình vẫn còn lành lặn về với quê hương. Đồng đội của anh bao người đã vĩnh viễn nằm xuống với đất Quảng Trị. Mới đây anh cùng bạn bè có điều kiện thăm lại chiến trường xưa, tìm được mộ của đồng đội mình đã hy sinh cho đất nước thanh bình. Anh nghẹn ngào nói với tôi thấy cuộc sống giờ đây ý nghĩa lắm.
Xuất ngũ, anh lại về quê lao vào công việc, đồng ruộng, gắn bó với gia đình, làng xóm. 17 năm gắn bó với quê hương, trong đó có tới hơn chục năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Anh cùng lãnh đạo xã quy tụ cả tập thể cán bộ chung lòng làm đổi thay một vùng quê thuần nông của huyện Nam Sách. Với nhiều nỗ lực, cách đây gần chục năm, Nam Tân đã có đường nhựa và là xã có đèn cao áp thắp sáng ban đêm đầu tiên ở huyện Nam Sách. Các công trình phúc lợi công cộng như trường học, bưu điện, trạm xá, Đài tưởng niệm liệt sĩ... cứ dần dần mọc lên. Rồi Nam Tân được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, ghi nhận những chiến công trong kháng chiến chống Pháp. Xã vùng sâu, thuần nông làm được những việc ấy không đơn giản, đó là sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã mới có được. Bên cạnh đó không thể thiếu những cán bộ tâm huyết, không tư lợi, trong đó có anh.
Nhìn ra dòng sông xa xăm, anh Tựu tâm tình: Hơn 40 năm cống hiến cho quân đội, cho quê hương, mình làm việc hết mình, không tiếc sức và không ân hận điều gì, mình đã hoàn thành trách nhiệm cho quê hương. Cán bộ xã chúng mình bảo nhau, quyết tâm đổi mới một vùng quê nghèo. Được huyện rồi tỉnh và ngân hàng hết sức ủng hộ, Nam Tân đã tạo nên một vùng chuyển đổi rất nhanh. Giờ đây, các vùng chuyển đổi đã trở thành vựa cá của huyện, mỗi năm bà con xuất bán trên 2.000 tấn cá các loại. Nhiều nhà giàu lên từ trang trại, nuôi cá, lợn, gà. Có những trang trại chuyên nuôi con đặc sản như cá sấu, ba ba, cá trắm đen… Làm cán bộ xã thấy dân giàu thì mừng lắm. Cho đến khi được nghỉ hưu cách đây 3 năm, lúc ấy mình mới tự nhìn lại mình, nhìn lại gia đình mình. Mình vô tâm quá, mình không quan tâm gì cho riêng mình cả. Nhà cũng chưa ra nhà, ngay cả công trình phụ vẫn còn quá lạc hậu. Xấu hổ với mọi người, xấu hổ với vợ con. Mình ngồi nghĩ, không thể thế này được, cuộc sống không thể thế này được. Phải bắt tay làm kinh tế để nâng cao cuộc sống cho gia đình. Kinh nghiệm cũng có cơ mà, lý luận cũng có cơ mà, chắc là làm được chứ - anh tự nhủ thầm với mình như thế.
Anh Tựu bàn với vợ con, dồn hết vốn liếng đầu tư vào trang trại rộng gần 4 mẫu ở trong đồng, nuôi cá, nuôi lợn, gà. Anh cùng một số anh em họ hàng vào miền Nam học cách nuôi cá lồng trên sông. Mỗi cái lồng kích thước 6x9 m, khung bằng tuýp nước, lưới i-nốc chắc chắn, giá tới 80 triệu đồng. Dốc hết vốn liếng ra chưa được chục cái lồng. Thôi thì lấy ngắn nuôi dài và mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư. Bên ngoài quây bằng các lồng chắc chắn, phía trong dùng lồng có khung tuýp nước, lưới bằng ni-lông để giảm suất đầu tư mỗi lồng chỉ còn 1/4. Anh chủ yếu nuôi cá điêu hồng, cá lăng, cá chép và cả cá chim. Anh chỉ cho tôi lồng cá chim, con to đã tới 3 kg, dưới lồng này là xấp xỉ 10 tấn cá. Còn cá lăng, nuôi 2 năm mỗi con nặng tới 5 - 6 kg, là loại cá cho giá trị kinh tế cao. Anh Tựu không phải là người đi đầu trong việc nuôi cá lồng, nên làm đến đâu, học hỏi đến đó. Kinh nghiệm còn thiếu, mọi người rất lo khi cá bị bệnh, song các kỹ sư thủy sản, các nhà nghiên cứu nuôi cá nước ngọt đã về hỗ trợ bà con, làm mọi người yên tâm hơn. Anh cùng 9 nhân công, chủ yếu là con em làm việc cật lực cho bè cá và trang trại trong đồng. Trúng 2 vụ cá, anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng, lại sắm thêm lồng mới, quyết tâm gắn chặt với dòng sông. Anh bắt một con chép trong lồng chừng 3 kg, luộc lên mời tôi uống rượu. Con cá sống trong nước sông sạch, được lưu chuyển liên tục nên chắc thịt và thật ngon. Trong bữa rượu, câu chuyện về những lồng cá cứ râm ran giữa sông nước mênh mông.
Gần đây, thấy cá nuôi trên sông ngon, có giá trị thương phẩm cao, anh Tựu cùng anh em nuôi cá xây dựng thương hiệu “Cá sông Kinh Thầy”. Ý tưởng của anh và mọi người là có một thương hiệu cá sạch sông Kinh Thầy cung cấp cho siêu thị và nhà hàng lớn. Đó là ý nghĩ táo bạo và hợp thời. Khi thị trường thực phẩm đang cần rau sạch, hoa quả sạch, thịt sạch thì cá sạch là một nhu cầu tất yếu.
Chia tay anh, chia tay những người nuôi cá lồng quy mô lớn đầu tiên của Hải Dương, tôi cảm phục ý chí làm giàu của người dân Nam Tân. Họ đã làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc, trên dòng sông quê mình. Trong thâm tâm, tôi thật mừng cho anh Tựu, người biết làm giàu khi đã nghỉ hưu.
TRẦN TUẤN