Từ những thứ bỏ đi, ông Nhữ Đình Xây (57 tuổi) ở thôn An Đông, xã Thái Hòa (Bình Giang) đã biến nó thành những chiếc gioăng cao su để bán cho các cơ sở cơ khí...
Xưởng sản xuất gioăng cao su của gia đình ông Nhữ Đình Xây thu lãi 200-300 triệu đồng/năm
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng với bản tính chăm chỉ lao động, quyết tâm tìm tòi hướng đi mới, ông Nhữ Đình Xây (57 tuổi) ở thôn An Đông, xã Thái Hòa (Bình Giang) đã vươn lên làm giàu nhờ việc tái chế gioăng cao su từ rác thải.
Tại khu nhà xưởng rộng chừng 200m2 của ông, hơn chục lao động, mỗi người một việc miệt mài bên hệ thống máy nghiền, máy cán, máy trộn và ép sản phẩm gioăng cao su. Ông Xây cho biết: "Để có được cơ ngơi như ngày nay, gia đình tôi đã trải qua một thời gian dài vất vả". Ông Xây sinh ra trong một gia đình có 5 anh em. Vừa tròn 18 tuổi, ông hăng hái tình nguyện nhập ngũ. Năm 1982, sau khi xuất ngũ trở về, ông lập gia đình và tập trung sản xuất trên 3 sào ruộng được chia. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh khiến gia đình với 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Quyết không cam chịu cảnh nghèo, ông đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm, tìm cách phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống.
Hơn 10 năm đi nhiều tỉnh, thành phố, ông đã làm nhiều nghề từ thợ xây, đầu bếp, cơ khí... Năm 2004, với số vốn ít ỏi tích lũy được cùng với kinh nghiệm lao động của bản thân, ông Xây trở về quê hương mở xưởng tái chế rác thải. Từ những nguyên liệu rác thải nhựa và cao su, xưởng tái chế của ông đã cho ra các sản phẩm hạt nhựa tái chế để xuất đi thị trường các tỉnh. Thời gian đầu, xưởng của ông hoạt động đều đặn, với hơn chục công nhân. Cuối năm 2010, kinh tế suy thoái khiến việc kinh doanh của ông gặp nhiều khó khăn. Với bản lĩnh của người đã được rèn luyện qua môi trường quân ngũ, ông không chịu khuất phục. Qua tìm hiểu, ông Xây nhận thấy nhu cầu rất lớn về gioăng cao su phục vụ trong lĩnh vực xây dựng. Ông đã đến học tập kinh nghiệm ở các xưởng sản xuất gioăng cao su tại một số tỉnh lân cận. Vốn năng động lại chịu khó nên ông Xây nhanh chóng nắm bắt được quy trình sản xuất và quyết tâm đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gioăng cao su tại địa phương.
Ông Xây cho biết: "Thời điểm ấy, gia đình tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi gom góp gần 500 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Mặc dù rất quyết tâm nhưng sau lần thất bại đầu tiên, gia đình tôi cũng không khỏi lo lắng". Cũng may, trời không phụ lòng người, việc sản xuất của gia đình ông Xây ngày càng phát triển. Hiện nay, gia đình ông đã ký hợp đồng sản xuất cho trên 30 đối tác tại các tỉnh khu vực miền Bắc. Các sản phẩm gioăng cao su do gia đình ông chế tác có chất lượng tốt, được các bạn hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Bình quân, mỗi năm gia đình ông sản xuất được gần 200 tấn gioăng cao su, thu lãi 200-300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho từ 10-15 lao động địa phương với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tập trung phát triển sản xuất, ông Nhữ Đình Xây luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Nhận thức sản phẩm được làm từ các loại nhựa, cao su, nilon cũ nên việc thu gom nguyên liệu và tái chế được ông thực hiện theo một quy trình khép kín, sử dụng hệ thống máy móc chuyên dụng để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
QUỲNH VY