Làm gì để thực hiện thành công dự án Lifsap?

05/08/2015 09:37

Mặc dù triển khai còn khó khăn, song khi tham gia dự án LIFSAP, nông dân đã có thêm kiến thức để chăn nuôi an toàn, hiệu quả...



Gia đình ông Lê Văn Hồng ở thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên (Kinh Môn) đầu tư thêm
một số máng ăn tự động cho lợn


Sau khi tham gia dự án "Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm" (dự án LIFSAP), người chăn nuôi đã có thêm kiến thức để thực hiện quy trình chăn nuôi nông hộ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp không ít khó khăn.

Mở rộng chuồng trại

 Trước đây, kiến thức chăn nuôi của anh Hà Văn Hùng ở thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) còn hạn chế. Anh Hùng thường cho lợn ăn theo kinh nghiệm cá nhân nên rất tốn thức ăn mà lợn lại chậm lớn. Anh thường nuôi các giống lợn truyền thống có trọng lượng nhỏ, lượng mỡ nhiều nên khó bán. Do không có kiến thức về phòng chống dịch bệnh nên các bệnh tả, tụ huyết trùng, tiêu chảy và tai xanh... thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Tham gia các lớp tập huấn của dự án LIFSAP, anh Hùng có thêm nhiều kiến thức về chăn nuôi. Anh Hùng cho biết: "Dự án đã trang bị cho tôi nhiều kiến thức mà trước đây tôi chưa biết. Trước hết là việc chọn giống. Hiện nay, tôi có thể phân biệt được khoảng 10 giống lợn khác nhau, biết khả năng sinh sản cũng như khẩu phần ăn của từng loại. Bây giờ tôi chủ yếu nuôi các giống lợn lai lớn nhanh, tỷ lệ nạc cao, bán được giá như Duroc, Landrace...". Theo anh Hùng, khẩu phần ăn được tính theo trọng lượng của từng con, vừa tiết kiệm được chi phí vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng cho lợn. Tham gia dự án, biết trong chăn nuôi quan trọng nhất là phòng trừ dịch bệnh nên anh rất chú trọng khâu này. Hằng tuần, anh đều phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa mưa phùn, anh tăng số lần phun. Vì thế từ lâu đàn lợn của gia đình anh không bị dịch bệnh.
 Tham gia dự án LIFSAP, anh Hùng còn 2 lần được hỗ trợ dụng cụ chăn nuôi như xe rùa vận chuyển thức ăn, máy bơm nước, bình phun khử trùng, ủng cao su, máng ăn tự động, bóng điện sưởi, vòi uống nước tự động cho lợn... với tổng trị giá khoảng 4 triệu đồng. Anh Hùng tự tin: "Tôi đã tăng quy mô từ 20 con lợn thịt/lứa lên 60-70 con/lứa. Tôi cũng đang xây dựng trang trại ở khu Triều, mở rộng quy mô chăn nuôi".

Long Xuyên là xã có phong trào nuôi lợn phát triển nhất huyện Kinh Môn. Từ cuối năm 2013, xã có 68 hộ chăn nuôi được hỗ trợ từ dự án LIFSAP. Ông Lê Văn Hồng ở thôn Duẩn Khê cho biết, dự án hỗ trợ cho gia đình ông vật tư dù không lớn, chỉ khoảng 3,5 triệu gồm máng ăn tự động, máy bơm rửa chuồng trại, hố ủ phân, hầm  biogas. Nhưng cái được lớn hơn là ông đã biết thế nào là 29 tiêu chí về phát triển chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng chống dịch bệnh. Từ đó, ông đã nâng quy mô chăn nuôi lên 200 con lợn thịt/lứa và duy trì 20 lợn nái, gấp khoảng 10 lần so với trước đây. Mỗi năm, gia đình ông đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng. Ông còn đầu tư 20 máng ăn tự động cho lợn và nhiều trang thiết bị khác phục vụ chăn nuôi.

Nhờ phong trào chăn nuôi phát triển, xã Long Xuyên đã định hình được khu chăn nuôi tập trung rộng 5 ha, thu hút 20 hộ tham gia.

Còn nhiều khó khăn

Tiêu chí dự án LIFSAP lựa chọn để hỗ trợ là người chăn nuôi ở quy mô gia đình, nuôi từ 5-10 con lợn/lứa trở lên. Tham gia dự án, người dân sẽ được tập huấn các kiến thức, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo chuồng trại, thiết bị phục vụ chăn nuôi như khu chăn nuôi phải có cổng riêng biệt, có biển báo, hố vôi sát trùng, máng ăn, núm uống nước, đèn sưởi... Sau khi được tập huấn, người dân phải thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi: trước khi vào chuồng phải sát trùng, tiêm phòng đúng lịch, vệ sinh chuồng trại đúng thời điểm... Sau 4 năm triển khai, có 811 hộ được dự án lựa chọn hỗ trợ. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ chăn nuôi cơ bản đáp ứng được yêu cầu, song vẫn có những hạn chế cần khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả của dự án.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án LIFSAP tỉnh  (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để thực hiện hiệu quả dự án đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp từ tỉnh đến xã. Nhưng ở cơ sở, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa đúng mức. Bên cạnh đó, vẫn còn sự thiếu hợp tác của một số hộ chăn nuôi. Theo yêu cầu của dự án, khi mua vật tư cải tạo chuồng trại, người dân phải có hóa đơn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ không tuân thủ quy định này, khi mua không lấy hóa đơn hoặc có nhưng không giữ lại. Khi sửa chữa hoặc xây mới chuồng trại, dự án yêu cầu phải có hình ảnh lưu lại, từ khi bắt đầu làm đến khi hoàn thành phải 3 lần chụp ảnh (trước, trong và sau khi cải tạo). Tuy nhiên, các hộ không thực hiện, vì thế cán bộ dự án rất vất vả trong việc tư vấn về quy hoạch, sửa chữa chuồng trại. Một số hộ dân có tâm lý đăng ký để được nhận hỗ trợ từ dự án. Sau khi được hỗ trợ thì bỏ không chăn nuôi, hoặc chăn nuôi không hiệu quả...

Theo kế hoạch, dự án LIFSAP giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay, giai đoạn 2 từ năm 2016-2018. Để thực hiện tốt dự án này, Ban quản lý dự án sẽ bố trí tuyển đủ cán bộ, đúng các chuyên ngành theo yêu cầu của dự án, đồng thời sắp xếp, lựa chọn, sàng lọc chặt chẽ hơn các hộ tham gia dự án. Chính quyền cấp huyện và xã cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho dự án tiếp tục được triển khai xuống cơ sở, góp phần thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi an toàn, hiệu quả hơn.

Dự án "Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố trong đó có Hải Dương, vốn đầu tư 79,03 triệu USD. Mục tiêu của dự án:  Tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi qua việc áp dụng các phương thức chăn nuôi an toàn giảm tỷ lệ chết của vật nuôi, rút ngắn thời gian vỗ béo, tăng số lượng đàn vật nuôi của nông hộ. Giảm ô nhiễm môi trường gây ra do ngành chăn nuôi qua việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi, lò mổ và các chợ bán thịt tươi sống đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Tăng sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm qua việc hỗ trợ các lò mổ và chợ bán thịt tươi sống đạt tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.


NGỌC THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để thực hiện thành công dự án Lifsap?