Làm gì để không sót những "báu vật sống"?

23/06/2014 08:13

Nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm thu hút các thợ giỏi tham gia thì rất có thể việc phong tặng sẽ bỏ sót những "báu vật sống" của làng nghề.



Nghề làm giày da ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có nhiều thợ
giỏi đã nhiều năm cống hiến cho làng nghề nhưng đến nay mới chỉ có một người được phong tặng nghệ nhân


Thợ giỏi chưa quan tâm

Chúng tôi đến làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) gặp lúc những người thợ nơi đây đang bàn tán sôi nổi về việc phong tặng nghệ nhân của tỉnh năm nay. Anh Vũ Văn Điệp, 41 tuổi, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Oanh Điệp cho biết, năm trước do tôi không nắm được thông tin nên khi biết và định nộp hồ sơ để xét phong tặng nghệ nhân thì đã hết hạn. Rất may tôi còn có sản phẩm để tham gia và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm nay, tôi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên xã xét duyệt. Đây là cơ hội để khẳng định tay nghề và chất lượng sản phẩm.

Qua trao đổi với anh Điệp, chúng tôi được biết, trong đợt bình chọn lần trước, cả làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao chỉ có 4 hồ sơ đủ điều kiện, còn lại một số không đủ các tiêu chí theo quy định để xét phong tặng nghệ nhân. Hiện nay ở làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao có hàng chục thợ giỏi, có cống hiến và đóng góp hàng chục năm cho làng nghề. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân đã được phong tặng cũng như các thợ giỏi ở đây, người thợ giỏi thường ít quan tâm tham gia các chương trình như hội chợ hay đem sản phẩm đi thi mà chỉ chú tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Vì vậy, không ít sản phẩm của các thợ giỏi rất tinh xảo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ các sản phẩm và xuất khẩu nhưng khi đòi hỏi có các giấy chứng nhận lại không có, do đó không đủ các điều kiện để xét duyệt.

"Ở làng chúng tôi, có rất nhiều thợ giỏi đáng được tôn vinh danh hiệu nghệ nhân. Tuy nhiên, đa số họ lại thiếu các loại giấy tờ  thủ tục pháp lý để tỉnh có cơ sở tôn vinh".

Làng nghề giày da Hoàng Diệu, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) hiện cũng có hàng chục thợ giỏi là chủ các cơ sở sản xuất. Hằng năm, các cơ sở cho ra đời hàng chục mẫu mã giày đạt chất lượng và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Thế nhưng, trong đợt phong tặng nghệ nhân đợt 1 của tỉnh, cả làng nghề chỉ có một nghệ nhân được tôn vinh. Anh Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Da giày tỉnh, người được phong tặng nghệ nhân duy nhất của làng nghề cho biết: "Ở làng chúng tôi, có rất nhiều thợ giỏi đáng được tôn vinh danh hiệu nghệ nhân. Tuy nhiên, đa số họ lại thiếu các loại giấy tờ  thủ tục pháp lý để tỉnh có cơ sở tôn vinh. Đây là vấn đề mà Hội Da giày chúng tôi đang bàn bạc, tìm hướng khắc phục để làm sao có nhiều thợ giỏi được tôn vinh, biểu dương hơn nữa".

Cần làm tốt khâu tuyên truyền và tổ chức các cuộc thi

Ngoài làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, huyện Cẩm Giàng còn có làng nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Ngọc Quyết, xã Ngọc Liên. 2 làng nghề này có rất nhiều thợ giỏi. Đồng chí Phạm Văn Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Giàng cho biết: "Để chọn ra được những người thợ giỏi nhất, đáng được tôn vinh không hề đơn giản. Trong đợt phong tặng lần trước, dù chúng tôi đã phổ biến, tuyên truyền các quy định, tiêu chí tới xã, thôn để bình chọn nhưng sau khi tỉnh xét duyệt vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều". Rút kinh nghiệm đợt trước, đợt này huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các xã, thôn ra thông báo, gửi giấy mời tới các hộ. Tuy nhiên, số người đến nghe xã phổ biến thông tin cũng rất ít. Bên cạnh đó, xã Lương Điền cũng thông qua một số thợ giỏi, thợ cao tay trong làng nghề để tuyên truyền đến đội ngũ thợ trong làng. Xã còn để các thợ giỏi bình xét, giới thiệu danh sách gửi về huyện để huyện hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên với nhiều người thợ, cách làm hiện nay vẫn chưa ổn. Do đặc điểm của làng nghề rất ồn ào, vì vậy việc thông báo lên loa truyền thanh xã để mời các thợ giỏi đến nghe phổ biến các tiêu chí phong tặng nghệ nhân như cách làm hiện nay không phù hợp. Các xã cần gửi giấy mời đến từng gia đình, hoặc gửi các tiêu chí hướng dẫn tới đội ngũ thợ giỏi để họ có hướng phấn đấu, tích cực tham gia các cuộc thi.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Công thương) cho biết: Đến nay, các quy trình, thủ tục hướng dẫn các địa phương về việc bình xét, phong tặng nghệ nhân đã được Sở phổ biến đầy đủ đến các huyện, thành phố, thị xã, các làng nghề, các nghệ nhân. Sở cũng thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các địa phương. Có thể khẳng định, các quy trình, thủ tục đã được Sở thực hiện rất đầy đủ, nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu cấp xã, thôn không làm hết trách nhiệm, không tâm huyết thì cũng khó tránh khỏi những thiếu sót.

Theo chúng tôi, cần tổ chức các cuộc thi giữa những người thợ trong làng nghề, hoặc giữa các làng nghề cùng sản xuất một sản phẩm. Qua đó, sẽ chọn ra các sản phẩm tiêu biểu, các thợ giỏi nhất đáp ứng các tiêu chí để được tôn vinh. Chỉ có như vậy, việc phong tặng nghệ nhân mới thực sự hiệu quả và tôn vinh được những người thợ tiêu biểu của các làng nghề.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để không sót những "báu vật sống"?