Mặc dù diện tích bỏ hoang hiện còn ít, nhưng nếu không có các giải pháp căn cơ, đồng bộ thì diện tích đất hoang sẽ còn tăng...
Bài 1: Nông dân bỏ ruộng
Không có lợi nhuận, điều kiện canh tác khó khăn là nguyên nhân khiến nông dân bỏ hoang ruộng. Trong ảnh: Một khu ruộng bỏ hoang ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng)
|
|
Xuất hiện ở nhiều nơi
Những địa phương có hoạt động công nghiệp, dịch vụ, đô thị càng phát triển thì diện tích đất canh tác bỏ hoang (ĐCTBH) càng nhiều như: Cẩm Giàng, Chí Linh, TP Hải Dương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, đầu vụ chiêm xuân này, toàn huyện có hơn 30 ha đất trồng lúa bỏ hoang ở 12 xã, gồm 23,9 ha đất 03 và 6,3 ha đất công điền. Các xã bỏ hoang nhiều ruộng gồm Thạch Lỗi 8,2 ha, Kim Giang 4,8 ha, Tân Trường 4,5 ha, Cẩm Hoàng 2,9 ha và Lương Điền gần 2,6 ha.
Ông Nguyễn Như Hoạt, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Lỗi đưa chúng tôi tới khu đồng Mả Kẻ ở thôn Lũng. Trước đây, nông dân vẫn cấy lúa 2 vụ ở khu đồng này. Những năm gần đây, người dân bỏ ruộng không cấy. Cả một khu đồng chỉ có cỏ dại xanh tốt um tùm. Bờ ruộng bị vỡ lở, có chỗ cỏ dại cao đến lưng người. Mặt ruộng bị chai lại. Ở một số nơi, người dân có trồng rau muống nhưng rồi cũng bỏ mặc, không chăm sóc. Qua thống kê cho thấy, toàn xã có 121 hộ dân bỏ hoang ruộng thuộc đất giao ổn định, lâu dài, chủ yếu ở 2 thôn Lũng và Kinh Nguyên. Theo ông Vũ Đăng Long, Chủ tịch UBND xã Thạch Lỗi, vụ mùa năm ngoái, xã có 8,2 ha ruộng bỏ hoang, chiếm 3,3% diện tích canh tác. Đầu vụ chiêm xuân này, toàn xã có nguy cơ bỏ hoang khoảng 18 ha nhưng do xã tích cực vận động nông dân gieo cấy nên đã giải quyết được một phần.
Vụ mùa 2012, thị xã Chí Linh có 75,7 ha ĐCTBH, tới vụ chiêm xuân này còn 60,6 ha. Diện tích bỏ hoang phần lớn là đất trồng lúa, trong đó 30,9 ha đất công điền và 29,7 ha đất giao ổn định, lâu dài. Diện tích bỏ hoang vụ mùa 2012 cao hơn vụ chiêm xuân này do nhiều người dân chỉ canh tác một vụ lúa chiêm xuân còn bỏ hoang ở vụ mùa vì dễ bị rủi ro. Người dân bỏ hoang ở những ruộng chua, trũng, tưới, tiêu khó khăn, chi phí đầu tư nhiều nhưng năng suất lúa không cao. Các xã có nhiều diện tích bỏ hoang là: An Lạc (34 ha, đất bỏ hoang do hệ quả của khai thác than trước đây nên không canh tác được), Hoàng Tiến (13 ha), Tân Dân (5 ha), Lê Lợi (4,3 ha).
Xã Hoàng Tiến (Chí Linh) có 13 ha ruộng bỏ hoang ở vụ chiêm xuân này
“Cấy lúa ở vùng này thì vụ xuân gặp hạn, vụ mùa gặp úng nên năng suất chỉ đạt khoảng 1,5 tạ/sào. Hạt thóc làm ra bán với giá rẻ, canh tác bị lỗ nên tôi đã trả lại đất cho địa phương". Ông Cao Văn Hiệp thôn Đồng Cống, xã Hoàng Tiến (Chí Linh) |
Tại xã Hoàng Tiến, 13 ha đất công điền bỏ hoang ở vùng bãi trũng ngoài đê sông Đông Mai, chiếm 3,9% diện tích canh tác cả xã. Một số người dân muốn cho ruộng người khác, không cần lấy sản lượng nhưng cũng không ai muốn cấy. Ông Cao Văn Hiệp ở thôn Đồng Cống có 3 sào ruộng bỏ hoang từ 4-5 năm nay cho biết: "Cấy lúa ở vùng này thì vụ xuân gặp hạn, vụ mùa gặp úng nên năng suất chỉ đạt khoảng 1,5 tạ/sào. Hạt thóc làm ra bán với giá rẻ, canh tác bị lỗ nên tôi đã trả lại đất cho địa phương".
ĐCTBH không chỉ ở các địa phương có hoạt động công nghiệp, đô thị phát triển mà còn xuất hiện ở những nơi sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh như: Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Tại xã Quyết Thắng (Ninh Giang), vụ chiêm xuân này có khoảng 3 ha đất bãi trũng ở 2 thôn Quảng Nội và Đồng Lại bị bỏ hoang. Những năm trước đây, nhiều hộ dân vẫn canh tác ở vùng đất này 2 vụ lúa mỗi năm. Khu ruộng bỏ hoang giờ là chỗ để thả trâu, có chỗ cỏ dại mọc cao đến 0,5m.
Không có lợi nhuậnCanh tác lúa không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ và điều kiện canh tác có nhiều khó khăn là hai nguyên nhân chính khiến nông dân bỏ ruộng. Hiện nay, nông dân phải tốn nhiều chi phí để đầu tư cho sản xuất nhưng hạt thóc làm ra lại bán với giá rẻ mạt. Tại những vùng đất bỏ hoang, điều kiện canh tác vốn khó khăn hơn những nơi bình thường nhưng năng suất lúa lại thấp hơn. Theo ông Bùi Chí Thu, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hoàng Tiến (Chí Linh), tiền đầu tư cho 1 sào ruộng ở khu vực đất bỏ hoang của địa phương lên tới khoảng 1,3 triệu đồng. Trong khi đó, tổng thu 1 sào lúa chỉ đạt gần 1,1 triệu đồng (năng suất lúa đạt khoảng 1,8 tạ/sào, giá bán lúa trung bình 6.000 đồng/kg). Như vậy, nếu một hộ nông dân phải đi thuê hết toàn bộ công lao động thì sẽ bị lỗ khoảng 200 nghìn đồng/sào. Nếu hộ đó có nhân lực tự cấy, gặt, phun thuốc sâu... thì cũng chỉ là lấy công vất vả thu lãi nhỏ.
Theo khảo sát của chúng tôi ở nhiều địa phương khác, mức thu nhập của người trồng lúa thấp hơn rất nhiều lần so với ngành, nghề khác nên nông dân không mặn mà cấy lúa, nhiều người chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ cho thu nhập cao hơn.
ĐCTBH gây ra lãng phí nguồn tài nguyên vốn được coi là "tấc đất, tấc vàng". Diện tích đất công điền bỏ hoang khiến nhiều địa phương bị thất thu vì người dân bỏ ruộng cũng không nộp sản lượng. Diện tích ĐCTBH cũng gây ảnh hưởng xấu tới phần diện tích đang canh tác như: tạo môi trường cho chuột, sâu, bệnh phá hại, điều tiết nước tưới khó khăn...
Không phải đến giờ nông dân mới bỏ ruộng. Trước đây, tỉnh ta cũng có ĐCTBH nhưng diện tích không đáng kể và cơ quan chức năng chưa quan tâm thống kê diện tích này. Một số địa phương không báo cáo diện tích bỏ hoang vì sợ ảnh hưởng tới nguồn thu từ thủy lợi phí do Nhà nước trả thay cho nông dân. Từ vụ mùa năm ngoái, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê diện tích ĐCTBH để đề ra giải pháp xử lý. Chính vì vậy, thực trạng ĐCTBH mới rõ ràng hơn.
8 huyện, thị xã, thành phố có diện tích đất bỏ hoang
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ chiêm xuân này, toàn tỉnh có 148,3 ha đất canh tác bỏ hoang ở 37 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Diện tích đất bỏ hoang ở các địa phương như sau: Chí Linh (60,6 ha), Cẩm Giàng (31,6 ha), Ninh Giang (19,2 ha), TP Hải Dương (11,6 ha), Gia Lộc (9,3 ha), Thanh Miện (7,7 ha), Thanh Hà (4,3 ha), Tứ Kỳ (4 ha). Diện tích đất bỏ hoang thuộc đất công điền có 70,4 ha và 77,9 ha thuộc đất giao ổn định, lâu dài. Trước đó, ở vụ mùa 2012, toàn tỉnh có 249,6 ha đất bỏ hoang ở 57 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Những địa phương để nhiều ruộng hoang là: Chí Linh (75,7 ha), Ninh Giang (37,5 ha), Tứ Kỳ (35 ha), TP Hải Dương (34,6 ha), Cẩm Giàng (34,3 ha).
|
|
NINH TUÂN