Sử dụng đúng cách kem chống nắng

16/06/2019 10:42

Việc sử dụng kem chống nắng giúp phòng chống cháy nắng, ung thư da, lão hóa da sớm và các nguy cơ khác khi tiếp xúc với bức xạ tử ngoại (UV) trong ánh nắng mặt trời là khá phổ biến.

Nhu cầu sử dụng kem chống nắng ngày càng tăng, nhất là vào mùa hè. Việc sử dụng kem chống nắng giúp phòng chống cháy nắng, ung thư da, lão hóa da sớm và các nguy cơ khác khi tiếp xúc với bức xạ tử ngoại (UV) trong ánh nắng mặt trời là khá phổ biến. Tuy nhiên cần phải hiểu và sử dụng đúng cách.

Kem chống nắng có thể ở dạng xịt, gel, miếng dán hay thuốc bôi... chứa các thành phần vật lý hoặc hoá học có khả năng ngăn chặn, hấp thu hoặc phát tán một số bức xạ tia UV trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhằm hạn chế tình trạng cháy nắng, lão hóa da hay ung thư da.

Ba loại bộ lọc tia cực tím có thể phối hợp trong các sản phẩm kem chống nắng là:

Các hợp chất hóa hữu cơ có thể hấp thụ các thành phần nguy hại của tia UV như oxybenzone, sulisobenzone, avobenzone…

Các hạt vô cơ phản chiếu, tán xạ và hấp thụ tia UV như titanium dioxide, oxide kẽm, superoxide dismutase, phlebodium aureum.

Các hạt hữu cơ có thể phản chiếu, tán xạ hay hấp thụ ánh sáng như tinosorb M, tinosorb S, mexoryl XL.

Chỉ số chống nắng SPF là gì?

SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số thể hiện khả năng chống nắng, bảo vệ làn da chống lại tia UV (loại tia gây ra cháy nắng và ung thư da) trong thời gian nhất định.

Các loại kem chống nắng khác nhau sẽ có chỉ số SPF khác nhau. Hiện nay trên thị trường có các loại kem chống nắng với SPF từ 15 - 100 cho phép người tiêu dùng so sánh mức độ bảo vệ cháy nắng được cung cấp bởi các loại kem chống nắng khác nhau. SPF càng cao thì càng có khả năng bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời nhiều hơn.

Ví dụ: kem chống nắng có SPF 15 chống được 93% tia UV; SPF 30 chống được 97% tia UV; SPF 50 chống được 98% tia UV.

Khi chỉ số SPF tăng gấp ba lần không có nghĩa là khả năng chống tia UV tăng gấp ba. Ví dụ, kem chống nắng SPF 20 có thể hấp thu tối đa 95% tia UV, trong khi kem chống nắng SPF 60 có thể hấp thu tối đa 98,3% tia UV.

su-dung-dung-cach-kem-chong-nang-1
Bôi kem trước khi ra nắng khoảng 15 - 30 phút

Sử dụng kem chống nắng có an toàn không?

Mặc dù tác dụng bảo vệ của các sản phẩm chống nắng diễn ra trên bề mặt da đã được chứng minh, nhưng có bằng chứng cho thấy ít nhất một số hoạt chất chống nắng có thể được hấp thụ qua da và đi vào cơ thể. Điều này rất quan trọng để các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu xác định xem và ở mức độ nào, việc sử dụng các sản phẩm chống nắng theo chỉ dẫn có thể dẫn đến những ảnh hưởng ngoài ý muốn do tiếp xúc lâu ngày với các hoạt chất chống nắng.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên mọi người nên sử dụng kem chống nắng vì có thể giúp ngăn chặn ung thư da loại biểu mô tế bào gai và tế bào đáy. Tuy nhiên, nên lưu ý là kem chống nắng không ngăn chặn được hoàn toàn các bức xạ của tia UVA, do đó có thể làm tăng tỉ lệ một loại ung thư da khác là u hắc tố ác tính khi người sử dụng kem chống nắng có thể tiếp xúc với quá nhiều tia UVA nhưng không cảm nhận được.

Do đó, FDA khuyên dùng các loại kem chống nắng phổ rộng (broad spectrum) vì chúng có thể cung cấp bảo vệ chống lại cả hai loại tia UVA và UVB.

Do kem chống nắng bị tiêu hao và trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian nên tần số thoa kem lại rất quan trọng để hạn chế sự hấp thụ bức xạ mặt trời.

Sử dụng kem chống nắng như thế nào?

Quan niệm sai lầm đang rất phổ biến hiện nay là người tiêu dùng thường được giới thiệu rằng kem chống nắng SPF 15 có thể cản ánh nắng mặt trời trong 150 phút (lấy chỉ số SPF15 x 10 phút = 150 phút) mà da không bị cháy nắng. Điều này hoàn toàn không đúng và xin được nhắc lại là SPF không liên quan trực tiếp đến thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà liên quan đến lượng năng lượng tiếp xúc với bức xạ mặt trời. SPF là một thước đo tương đối của lượng chống cháy nắng được cung cấp bởi kem chống nắng. Mặc dù lượng năng lượng mặt trời có liên quan đến thời gian tiếp xúc với mặt trời nhưng còn có những yếu tố khác ảnh hưởng như cường độ của năng lượng mặt trời có thể tác động đến số lượng bức xạ UV.

Ví dụ, các phơi nhiễm sau đây có thể dẫn đến cùng một lượng năng lượng mặt trời tương đương vì mặt trời gay gắt hơn vào giữa trưa so với các thời điểm khác:

- 60 phút lúc 9 giờ sáng và 15 phút lúc 13 giờ chiều.

- Cường độ bức xạ UV trong ánh nắng mặt trời cũng liên quan đến vị trí địa lý, cường độ bức xạ lớn hơn xảy ra ở nơi có vĩ độ thấp hơn.

Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lượng năng lượng bức xạ mặt trời tiếp xúc:

- Người có làn da trắng có khả năng hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn so với người có làn da sẫm màu trong cùng điều kiện.

- Lượng kem chống nắng được sử dụng nhiều hơn sẽ giúp việc hấp thụ năng lượng mặt trời ít hơn.

- Do kem chống nắng bị tiêu hao và trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian nên tần số thoa kem lại rất quan trọng để hạn chế sự hấp thụ bức xạ mặt trời. Tần suất sử dụng lại cũng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động mà người dùng tham gia. Ví dụ, khi bơi lội cần được bôi kem chống nắng lại thường xuyên hơn vì nước có thể tẩy rửa kem chống nắng khỏi cơ thể. Ngoài ra, mức độ hoạt động thể chất cao cũng đòi hỏi phải thoa kem lại thường xuyên hơn vì hoạt động này có thể ra mồ hôi nhiều làm trôi đi kem chống nắng.

su-dung-dung-cach-kem-chong-nang-2

Lưu ý rằng không có loại kem chống nắng nào có khả năng chống thấm nước. Tất cả các loại kem chống nắng đều có thể bị rửa sạch sau 40 - 80 phút bơi hoặc đổ mồ hôi.

Ở Việt Nam, chúng ta nên chọn sản phẩm kem chống nắng có SPF trung bình, trong thành phố chỉ cần dùng sản phẩm có độ SPF 20 - 30, khi đi biển mới cần dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 60+.

Trên thực tế, chỉ số chống nắng đa số thường không đúng như quảng cáo. Một số khảo sát cho thấy trên 40% sản phẩm kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF không đạt đến mức độ mà nhà sản xuất đã ghi trên sản phẩm.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn người lớn về tác dụng phụ của kem chống nắng. Do đó, FDA không khuyến cáo dùng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh mà chỉ khuyến cáo nên tránh xa ánh nắng mặt trời trong khung giờ từ 11 giờ sáng - 16 giờ chiều, sử dụng quần áo bảo hộ nếu chúng phải ở ngoài nắng để bảo vệ tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, FDA khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng theo chỉ dẫn trên nhãn hộp kem.

Quy định của FDA yêu cầu tất cả các loại kem chống nắng phải có hạn sử dụng trong ít nhất 3 năm. Điều đó có nghĩa là, một sản phẩm chống nắng không có ngày hết hạn nên được xem là hết hạn 3 năm sau khi sản xuất. Để giữ cho kem chống nắng luôn trong tình trạng tốt, các hộp đựng kem chống nắng không nên để tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp mà nên để trong hộp kín hoặc bóng râm.

Tất cả mọi người đều có thể sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình, đặc biệt ở những người có làn da mỏng, sáng màu, dễ bắt nắng. Nên bôi kem chống nắng liên tục trong các ngày có nắng vì tia UV hiện diện cả 12 tháng trong năm và nên bôi trước khi ra nắng khoảng 15 - 30 phút.

Những người bị các bệnh như: Bệnh da nhạy cảm ánh sáng, bệnh hệ thống (lupus đỏ hệ thống, bệnh chất tạo keo...), những bệnh nhân đang dùng các loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng (ví dụ như: tetracycline, gatifloxacine, sulfasalazine, naproxen, chloroquine...) thì càng cần dùng kem chống nắng để bảo vệ da.

Theo Sức khỏe & Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng đúng cách kem chống nắng