Suốt chín năm nay, có một người đàn ông một mình dựng nhà rồi gom những đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi dạy.
Ông Đinh Minh Nhật và những đứa con nuôi được nhặt khắp nơi. Ảnh: T.B.D.
Những đứa trẻ ấy lớn lên trong lấm lem, đứa lớn thì bao bọc đứa nhỏ. Đến nay có 71 đứa trẻ như thế được nuôi dạy bởi ông Đinh Minh Nhật, 56 tuổi...
Đứa trẻ đầu tiênBuổi chiều, ngôi làng nhỏ nằm sau tuyến đường cái dẫn vào trung tâm xã Ia H’Lop (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ríu rít tiếng con trẻ đùa giỡn. Trên đống cát mà ông Nhật mới gọi thợ tới đổ để chuẩn bị xây thêm phòng ngủ cho những đứa trẻ, đám trẻ con nhảy cẫng lên rồi đuổi nhau chạy khắp vườn.
Ông Nhật ngồi bệt trên bậc thềm, trước căn nhà cấp bốn nghèo khó nơi ông và những đứa trẻ vui với nhau suốt chín năm nay: “Ai tới đây cũng hỏi làm sao tôi có thể nuôi hết 71 đứa trẻ không cha không mẹ khi tôi không có nghề nghiệp ổn định trong tay.
Đối diện với những câu hỏi này, thú thật tôi không biết phải giải thích làm sao. Tôi nghĩ ở giữa lằn ranh sống chết, có một bàn tay cứu vớt những đứa trẻ ấy khỏi cái chết và đưa về một mái ấm như thế này để nuôi nấng là cả một sự kỳ diệu rồi. Bản năng sinh tồn của những đứa trẻ bị bỏ rơi là rất tốt”.
Ông Nhật nói cho đến giờ những hình ảnh đầy chết chóc khi cứu sống Kpuih H’Lúi, cô bé Ja Rai mang trong mình một số phận thảm thương vào năm 2008 vẫn thỉnh thoảng làm ông ám ảnh.
Năm đó ông Nhật mang đồ đạc về dựng nhà sống một mình ở thôn 1, xã Ia H’Lop. Buổi sáng ấy, ông có việc đi vào ngôi làng Ja Rai ở huyện Chư Prông thì thấy dưới khóm rừng dầu, một đám người lớn đang định làm việc ác với một sinh linh đỏ hỏn.
Đó là một cô bé Ja Rai tội nghiệp, vừa lọt khỏi lòng mẹ tròn hai ngày thì người mẹ qua đời. Theo tục lệ Ja Rai, cô bé ấy phải được đưa trở lại bụng mẹ.
“Tôi sốc thật sự, làm sao mà người ta có thể giết một đứa trẻ chỉ vì những quan niệm mông muội ngàn đời ấy. Tôi nhảy vồ vào, giật lấy đứa trẻ và ôm nó chạy đi nhưng bị đám người làng đuổi bắt được” - ông Nhật nói.
Khi đám người giành lại được H’Lúi, ông đã cố giải thích rằng đứa trẻ được mẹ sinh ra cũng như trái bắp trên rẫy sinh ra, không phải vì nó mà mẹ nó chết. Để đứa trẻ ấy sống cũng không bị ai bắt tội mà còn cứu thêm được một mạng sống.
Nhóm người Ja Rai nghe vậy khựng lại: “Nhưng ông định đưa nó đi đâu?”. “Tôi mang về nuôi. Tôi không đưa nó đi xa đâu, nếu đi bộ thì khoảng bốn giờ là tới chỗ tôi ở. Tôi hứa mỗi năm một lần sẽ cầm tay dẫn cháu về thăm ông bà tổ tiên, thăm mộ mẹ nó, thăm người làng”.
Cuối cùng, cuộc thương lượng thành công. Ông Nhật bảo rằng mình chưa từng làm cha, quyết sống một mình đến hết đời nên việc có thêm một đứa trẻ hai ngày tuổi là điều quá sức tưởng tượng.
“Nhưng tôi thương nó quá, nó cũng biết mình thương nên đêm nằm trong lòng tôi ít khóc, chỉ trừ lúc đói”.
Những ngày ấy, ông bế đứa trẻ đi hết làng này qua làng khác để xin sữa. Nhưng xin miết cũng không được, nhiều người thấy đứa trẻ ấy bú dữ quá nên quyết không cho sữa vì sợ con mình không còn cái ăn, ông Nhật phải đi đong từng lon gạo, mua từng bịch sữa để nuôi nó lớn lên từng ngày.
H’Lúi đỏ hỏn ngày nào giờ đã là cô học trò 9 tuổi, đang học lớp 3 Trường Võ Thị Sáu.
Mái ấm chungThật khó có thể hình dung một người đàn ông không có nghề nghiệp ổn định, đơn thân dựng nhà và đi nhặt 71 đứa trẻ có số phận đặc biệt về nuôi nấng. Đứa nào cũng được cho ăn uống như chính đó là con của mình, đứa nào cũng được chăm bẵm, nuôi nấng và dạy cách làm người.
Trong 71 đứa trẻ ấy, có đứa thậm chí không có hậu môn, mỗi lần đi vệ sinh ông Nhật phải dùng tay móc phân ra. Có đứa què quặt, có đứa bị tim bẩm sinh, cứ vài tháng lại đau yếu, một mình ông Nhật lại chạy vạy tiền bạc đưa chúng đi chữa trị.
Làm thế nào để đủ cơm gạo nuôi 71 đứa trẻ ấy lớn lên hằng ngày? Ông bảo ai cũng hỏi câu ấy. Mỗi ngày ông đánh xe đi khắp các vườn rẫy cà phê xin làm công, toàn bộ tiền dành dụm được đem về đưa tụi nhỏ. Cũng có khi ông dẫn theo đám trẻ tới các gia đình phụ việc.
Câu chuyện của ông đã lan tỏa gần xa và hiện có rất nhiều người tự nguyện góp gạo, dầu ăn, mắm muối, quần áo cho lũ trẻ.
Ông Nhật dẫn chúng tôi đi xem “cơ ngơi” của mình. Đó là một gian nhà cấp bốn, được thưng làm hai phần. Phía trước làm nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình, phần sau tách ra nhiều ô nhỏ và được bố trí theo từng “khu chức năng”: chỗ ngủ, lớp học bài, nơi nấu ăn, chỗ tắm rửa.
Mới đây, có người trong làng thấy mấy đứa trẻ sống chật quá nên cho mượn căn nhà hoang. Vậy là có thêm chỗ ở cho mấy đứa nhỏ.
Điều khá đặc biệt là trong “cơ ngơi” này có rất nhiều nồi nhôm loại to. Ông Nhật nhẩm tính: mỗi tháng lũ trẻ ăn hết 6 tạ gạo, mắm muối hàng chục ký.
Tôi lật vung từng chiếc xoong nồi trong bếp ra, đã sắp tới giờ ăn cơm nhưng thức ăn chỉ là nồi canh nấu với mấy cọng rau, nước sủi lên trong veo.
“Việc từ bi”
Một người đàn ông thành đạt, là chủ một doanh nghiệp ở thị trấn Chư Sê khi biết câu chuyện của ông Nhật đã tự mình vào tận nơi để “xem thế nào”.
Chứng kiến 71 đứa trẻ lớn lên hồn nhiên, thức ăn cho chúng mỗi ngày là những đống rau, cà ế được bỏ lại sau mỗi buổi chợ tan, chủ doanh nghiệp trẻ này đã thốt lên: “Chỉ có Chúa, Phật mới làm được việc từ bi ấy”.
|
Cả ông Nhật và những đứa trẻ đều đáng thương
“Tôi sống gần nơi ông Nhật nhận nuôi 71 cháu nhỏ, có đứa được ông đưa về từ cách đây 7-8 năm, có đứa mới được nhận về cách nay vài tháng.
Điều tội nghiệp là không phải cháu nào cũng lành lặn mà có cháu bệnh tật, thân thể què quặt, đau yếu liên miên nhưng vẫn được ông Nhật nuôi nấng, chăm sóc như chính đó là đứa con của mình.
Đây là câu chuyện thật, tôi thỉnh thoảng đến thăm với cương vị chủ tịch xã nhưng cũng là với góc độ cá nhân vì thấy thương cả ông Nhật lẫn mấy chục cháu nhỏ.
Ít người biết rằng không chỉ mấy đứa trẻ bị bệnh tật mà bản thân ông Nhật cũng đang mang trong mình bệnh thận rất nặng, mỗi lần tôi gặp thấy ổng làm việc nặng là thở dốc. Có lẽ vì bệnh tình vậy mà ông muốn chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi để đóng góp cho đời.
Tôi tới thăm và bản thân có hỗ trợ, về phía chính quyền chúng tôi cũng tạo điều kiện từ các nguồn, kêu gọi các đoàn từ thiện. Cơ sở của ông Nhật cũng nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ các nhà chùa, các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm.
Nhưng hiện nay số trẻ đang quá lớn nên mọi thứ còn chật vật, tôi mong có thêm nhiều sự giúp đỡ để hỗ trợ cho các cháu. Nhiều người giàu có của ăn không hết nhưng ông Nhật thì chỉ muốn mấy đứa mỗi ngày có cơm ăn cho no bụng, lớn lên khỏe mạnh”.
Ông LÊ SỸ QUÝ (Chủ tịch UBND xã Ia H’Lop, huyện Chư Sê, Gia Lai) |
THÁI BÁ DŨNG (Tuổi trẻ)