Lài

24/11/2019 09:46

Nhiều lúc cầm những lốc tiền sắp đầy két sắt, nhìn những thỏi vàng sáng chóe, điều mà ngày trước còn là sinh viên tôi hằng ao ước, giờ trở nên vô nghĩa khi tôi vĩnh viễn mất Lài.



Tôi rời ký túc xá lúc 18 giờ. Ông bảo vệ thân hình khô đét như que củi vỗ vai tôi ỡm ờ: “Cậu về trễ lần nữa, tôi cho ở ngoài đấy!”. Tôi chẳng lạ gì cái tính khí thất thường, lại hay vòi vĩnh của lão. Bất quá mua gói thuốc lá dúi vào túi áo lão là yên chuyện. Thoạt đầu tôi dứ dứ nắm đấm trước mặt lão đe: “Bố mà không đợi cửa con thì chớ có trách”. Ngẫm lại, thấy mình sai quấy, tay tôi buông thõng, nghĩ bụng: “Mua sẵn gói thuốc lá đi là vừa”. Từ ngày tôi yêu Lài, mỗi đêm mỗi gói thuốc lá cộng lại chở cả xe chứ ít đâu. Xã hội nảy sinh tiêu cực từ chỗ con người xâm phạm đến quy tắc chung. Tôi hằng đêm hú hí với bồ vượt quá giờ giấc cho phép của ký túc xá. Tôi là kẻ có lỗi. Lão bảo vệ đêm đêm nhận quà đút lót của tôi, lão ấy cũng có lỗi. Cái lỗi của tôi và cái lỗi của lão đem đặt trên bàn cân chắc là bằng nhau. Một lần, Lài ngả đầu vào lòng tôi, bàn tay cô ấy sờ nặn túi áo, kêu lên: “Ơ hay, anh không hút thuốc lá cơ mà? Mua để làm gì?”. Tôi bật cười: “Cái cầu nối tình yêu của chúng mình đấy em”. Mắt Lài tròn xoe, ngơ ngác. Khi nghe tôi giải thích, nàng cười ngặt nghẽo: “Trời ạ! Anh đến với em tình bằng khói thuốc bay”.

"Quán Nhớ" đông khách hơn mọi hôm. Tôi chọn chỗ ngồi cạnh lối đi, gọi cà phê. Cô tiếp viên bộ ngực đồ sộ và cặp đùi nõn nà dưới ánh đèn màu, giọng cợt nhả: “Em cúp cua rồi hở? Đừng buồn ông anh. Nếu không chê em thì…”. Tôi cười bâng quơ: “Cô bé nuôi nổi anh bốn năm rưỡi đại học không đấy?”. Cô nàng đùa dai: “Tưởng gì, nếu anh thương thì đừng nói là bốn năm rưỡi mà mười năm, mười lăm năm em cũng sẵn lòng”. Ả nói xong, cười lẳng lơ, quay lưng với bước đi rồng rắn. Tôi buồn cười, liên tưởng đến những người mẫu thời trang biểu diễn trên sân khấu. Nhấp một ngụm cà phê đặc quánh, nghe vị đắng đê mê. Tôi dõi mắt về phía dòng người như thác đổ lên đại lộ tìm bóng dáng Lài. Những đôi trai gái đèo nhau trên xe máy phóng đi hối hả dưới ánh đèn vàng tái, làm như thời gian sắp đông lại không bằng. Bất chợt một ánh sao rơi gieo vào lòng tôi một nỗi buồn mơ hồ. Mới đấy mà tôi đã hơn hai mươi tuổi rồi. Lấy vợ, sinh con, đầu bạc rồi lẩm cẩm. Đời người đâu có bao lâu. Ăn học thành tài giúp ích cho đời cũng là con người. Đâm thuê, chém mướn cũng là con người. Thậm chí có người kể vanh vách với bạn bè đã phá đời bao nhiêu cô gái, xem đó là chiến tích cuộc đời.

Lài đến trễ mười phút. Nhìn vào mắt tôi, nàng lo âu: “Anh có tâm sự buồn?”. Tôi chống chế: “Em học khoa tướng số từ bao giờ thế?”. Lài tha thiết: “Thật mà, nhìn trong mắt anh, em hiểu”. Tôi cười dài, nụ cười thật vô duyên, nhạt nhẽo, nhưng không cười, tôi biết nói gì khi Lài là một cô gái hết sức nhạy cảm. Nếu sau này sống chung với Lài chắc là tôi không giấu nổi nàng bất cứ điều gì.

Tôi dìu Lài dọc theo bờ hồ. Gió heo may từ lòng hồ phả hơi nước vào mặt tôi lạnh buốt. Nàng ngả đầu vào ngực tôi, nũng nịu: “Sao anh không nói gì hết vậy?”. Tôi hôn phớt lên gò má mũm mĩm của nàng, cười khúc khích: “Im lặng cũng là cách nói đó em. Ồ! Hôm nay em uống rượu ư?”. Lài cười nhẹ, tha thiết: “Anh đừng lo, em không hư đốn đâu. Thỉnh thoảng cũng phải lấy lòng khách”. Tôi khỏa lấp để che giấu sự bất lực của mình: “Ờ, nghề của em nó thế. Anh đãng trí mất rồi”. Tôi luôn áy náy, bố mẹ tôi ở quê không thể tiếp tục nuôi tôi ăn học, Lài vì tôi mà đi làm tiếp thị cho hãng bia. Tháng tháng, ngày ngày Lài mang tiền đến cho tôi. Lúc đầu tôi còn sĩ diện, nhưng rồi sĩ cũng không xong. Lài đến với tôi vừa là người yêu, vừa là ân nhân. Mỗi lần nhận tiền của Lài, tôi xót xa, day dứt. Sức dài, vai rộng như tôi lại để Lài tất tả chạy ngược, chạy xuôi từ quán bia này sang quán bia khác để tiếp thị, nhận từng đồng tiền, trong đó có sự chế giễu, cười cợt của những kẻ thừa mứa vật chất. Tôi ôm Lài chặt hơn. Mùi thơm từ tóc nàng thật quyến rũ. Nàng nói như khóc: “Lại giận em nữa rồi!”. Xúc cảm trong tôi dâng trào: “Không! Không bao giờ anh giận em. Lài vì anh mà khổ…”. Tôi nói chưa dứt lời, nàng đưa tay bịt miệng tôi: “Anh đừng nói vậy em buồn đó. Em rất hạnh phúc được chăm sóc cho anh. Tình yêu vốn là sự hy sinh vô điều kiện mà anh”. Một chiếc lá khô buông mình khẽ khàng rơi trên lối đi, bất giác tôi hoài niệm về những mùa thu đã xa. Nàng níu tôi lại: “Đừng đi nữa anh!”. Tôi sợ nàng mỏi chân: “Mình ngồi nghỉ một chốc em nhé!”. Nàng nhõng nhẽo: “Không! Em đứng nép vào anh nhìn thành phố thú vị hơn”. Tôi cùng nàng phóng tầm mắt về phía bên kia bờ hồ. Những dãy nhà cao tầng rực rỡ ánh đèn màu gieo xuống lòng hồ như phố dưới thủy cung.

Tôi thức giấc khi những tia nắng sớm xuyên qua cửa sổ, nhảy nhót trên mảng tường vôi màu ghi của ký túc xá. Thằng Văn nằm co ro trên giường, chiếc màn tụt xuống dưới đầu gối. Nhìn gương mặt rúm ró nét đau khổ của nó trong giấc ngủ, nếu như mọi hôm thế nào tôi cũng phá lên cười, hoặc kéo lũ bạn nghịch như quỷ sứ đến chọc phá, nhưng hôm nay tôi không thể. Bữa tiệc chia tay với Quân đêm qua làm đầu tôi nặng như chì, miệng đắng ngắt. Và nỗi buồn còn váng vất. Đêm chia tay với Quân, chúng tôi góp lại hơn ba trăm ngàn làm bữa tiệc nhỏ tống biệt. Mọi người ngồi quây quần, Quân đứng dậy mặt dàu dàu: “Các bạn ơi! Ngày mai Quân vĩnh biệt các bạn! Vĩnh biệt ký túc xá!...”.

Có tiếng con gái khóc thút thít. Giọng của Quân tắt nghẹn, chỉ còn lại tiếng nấc. Thằng Văn ngày thường tiếu lâm là thế, nó lao tới ôm chầm lấy Quân bật khóc. Tiếng khóc của nó khô khốc như tiếng rú của con thú bị thương: “Quân ơi! Mày bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, rồi biết đâu đến lượt tụi tao. Mày về quê đừng quên tụi này nghe Quân!”. Tôi không nhớ sau đó Quân nói gì mà cả nhóm cùng ôm nhau khóc. Khóc chán rồi rót rượu ra uống ừng ực. Mãn tiệc thằng nào, thằng ấy móc túi lôi ra những đồng bạc ít ỏi giúp Quân làm lộ phí.

Đây là lần đầu tiên tôi đến "Quán Nhớ" vào lúc sáng sớm. Cả tuần trôi qua, đêm nào tôi cũng ngồi tĩnh lặng ở chính cái nơi mà tôi và Lài thường gặp gỡ. Ngồi đến khuya khoắt, đợi người khách cuối cùng rời quán, tôi mới lững thững lê bước ra về. Cô tiếp viên đến bắt chuyện xã giao: “Ôi! Từ đời nào em mới thấy anh đến đây dùng cà phê buổi sáng”. Tôi nhủ thầm: “Thì từ đời nào tôi mới thấy con người thật của cô". Hình dáng bốc lửa đấy, nhưng da mặt thô ráp vì dùng quá nhiều mỹ phẩm. Nhan sắc của người con gái giống như một loài hoa sớm nở tối tàn, tôi thấy chạnh lòng, nhưng vẫn cười: “Cô không phản đối tôi đến đây dùng cà phê vào buổi sáng chứ?”. Cô gái cười duyên hơn: “Ồ! Anh đùa ngộ chưa? Anh đến thêm một buổi sáng là em mừng thêm chút nữa, dại gì phản đối!”.

Lại một tuần nữa qua đi, tôi khắc khoải đợi chờ. Em gái Lài mang đến cho tôi một chiếc phong bì dày cộm. Tôi chưa kịp hỏi về Lài thì cô bé đã lên xe phóng đi. Tôi bóc phong bì, một lốc tiền 100.000đồng mới cứng, tuyệt nhiên không thấy thư của Lài dẫu chỉ một đôi dòng. Đã có lúc tôi nổi giận: “Lài ơi! Anh đâu phải vật nuôi đến bữa em cho ăn. Anh là con người, là người yêu của em cơ mà. Anh nhớ em vô cùng. Anh cần em hơn mọi thứ trên đời”. Nhưng rồi tôi bất lực, về ký túc xá nằm queo, chán chường. Thằng Tân, thằng Thìn (bốn đứa chung phòng giờ Quân đi còn ba) biết tôi buồn khổ, chúng nó hiến kế: “Tuấn à! Nửa tháng rồi mày không gặp Lài, sao mày không đến nhà xem cô ấy thế nào”. Tôi bật dậy: “Ờ, tớ phá lệ đến nhà cô ấy đây”. Thằng Tân rút chiếc lược ngà trong túi áo chải đầu cho tôi điệu nghệ như thợ cắt tóc chính hiệu. Thằng Thìn thì cởi phăng chiếc áo đang mặc trao cho tôi: “Cậu mặc áo mới của tớ cho em lác mắt chơi”. Tôi mượn chiếc xe đạp cà tàng của ông bảo vệ đến nhà Lài. Khi dừng xe trước cổng, con chó to như con bê phóng ra sủa ầm ĩ khiến tôi chùn bước. Mẹ Lài xuất hiện. Dạo này bà gầy và già đi nhiều so với lần đầu tiên tôi gặp bà: “Chắc cậu tìm Lài? Nó vắng nhà hai hôm rồi. Cậu vào chơi!”. Cái kiểu nửa đuổi, nửa mời với cái giọng lạnh băng của bà, tôi hiểu bà vẫn không có thiện cảm với tôi. Nhớ lần đầu tôi đến nhà chơi, trông bộ vó của tôi, bà vồn vã chào mời, nhưng sau đó biết tôi là sinh viên, bà thay đổi thái độ ngay. Tôi buồn không đến nhà Lài từ đấy. Tôi quay xe khi đã kịp nói một câu chiếu lệ: “Xin phép bác cháu về”. Vì trong lúc nói chuyện với mẹ Lài, tình cờ tôi phát hiện qua khe ván nhà dưới, Lài dõi mắt nhìn về phía tôi. Đôi mắt ấy tôi nhầm thế nào được. Nàng cố tình lánh mặt, không muốn gặp tôi. Nỗi u uất dâng tràn, tôi rã rời, đạp xe về ký túc xá bỏ ăn, bỏ học liền ba ngày. Đến ngày thứ tư, tôi nhận được thiệp cưới của Lài. Thế là hết!

Một lần vấp ngã tôi nung nấu ý chí vừa làm, vừa học. Giờ đây tôi đã là một doanh nghiệp trẻ thành đạt của thành phố. Mỗi bước đường là xe đưa, người đón. Quanh tôi có biết bao cô gái đẹp ngấp nghé. Tôi cứ phớt lờ vì tôi vẫn còn yêu Lài, một mối tình vô vọng và một nỗi đau tận xương tủy.

Cho đến một hôm, em gái của Lài tìm đến công ty gặp tôi. Nhìn vẻ thẹn thùng, bối rối của cô bé, chưa nói chi tôi đã chạnh lòng: “Lụa, có việc gì không em?”. Cô bé có vẻ tự tin trở lại: “Dạ, em cần nói chuyện với anh”. Tôi lộ vẻ sốt ruột: “Em nói đi, chuyện gì vậy?”. Cô bé chần chừ: “Dạ, ở đây bất tiện. Anh có thể…”. Tôi quả quyết: “Vậy ta ra công viên em nhé!”.

Tôi tự đánh xe đưa Lụa đến công viên trung tâm thành phố. Dọc đường tôi hồi hộp muốn biết ngay nội dung câu chuyện mà Lụa sắp kể, vì tôi có linh tính nó liên quan đến Lài. Lúc tôi và Lụa ngồi trên ghế đá, Lụa chợt hỏi: “Anh có biết vì sao chị em lấy chồng không?”. Mắt Lụa giống hệt mắt Lài. Lúc vui tinh anh, lúc buồn đẹp não nùng. Tôi chua chát: “Hồi đó anh là sinh viên nghèo kiết xác”. Cô bé lạc giọng: “Không! Anh nhầm rồi. Chị em đi lấy chồng là vì anh đấy”. Tôi cười khẩy: “Vì tôi?!”. Cô bé gật đầu nhè nhẹ: “Vâng!”. Tôi tức cười: “Ha! Ha! Em đùa anh đấy à?”. Lụa không để ý thái độ của tôi, nàng kể giọng trầm buồn như đọc thánh ca: “Chị em vì lo cho anh ăn học mà phải vay tiền của người ta, nợ nần chồng chất. Chị lấy một người chồng giàu có, nhưng hơn tuổi chị tới một con giáp. Đó là cách duy nhất giải thoát bế tắc… Vì anh mà chị em làm vật hy sinh, dang dở một đời con gái”. Cô bé nói giọng nghèn nghẹn, hai giọt nước mắt long lanh trên mi. Tôi sững người như bị giội gáo nước lạnh vào mặt, chộp lấy đôi vai của Lụa lắc mạnh, khiến cô bé phải kêu lên vì đau: “Có thật vậy không em? Trời ơi!...”.

Lụa nhặt chiếc lá khô rơi trên ghế đá, vuốt ve, tránh cái nhìn đầy thương tích của tôi, giọng bức bối: “Em nói dối với anh để làm gì cơ chứ?”. Tôi ôm đầu rên rỉ: “Sao em không cho anh biết ngay từ đầu? Em giết anh rồi Lụa ơi!”. Cô bé bật khóc: “Chị em không muốn anh lo buồn mà ảnh hưởng đến việc học tập”.

Sau này tôi mới hiểu ra Lài sống trong nhung lụa, nhưng không hề có hạnh phúc. Nàng không yêu chồng. Còn tôi, đồng tiền làm ra theo cấp số nhân. Nhiều lúc cầm những lốc tiền sắp đầy két sắt, nhìn những thỏi vàng sáng chóe, điều mà ngày trước còn là sinh viên tôi hằng ao ước, giờ trở nên vô nghĩa khi tôi vĩnh viễn mất Lài.

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lài