Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thảo luận, quyết định nội dung quan trọng liên quan đến công tác cán bộ, chính sách tiền lương và BHXH đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Người dân kỳ vọng những cải cách trong chính sách bảo hiểm xã hội sẽ giúp nhiều người được hưởng lương hưu hơn. Trong ảnh: Người dân lĩnh lương hưu tại Bưu điện huyện Bình Giang
Cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”
Nói về công tác cán bộ, một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội nghị Trung ương 7, ông Lê Văn Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh trăn trở với vấn đề làm sao có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Ông Hạnh mong sau hội nghị này, Đảng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đủ mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đất nước đi lên. Theo ông Hạnh, khi xây dựng đội ngũ cán bộ, phải yêu cầu bảo đảm cả tiêu chuẩn và cơ cấu, không được coi nhẹ bất cứ yếu tố nào. “Tiêu chuẩn và cơ cấu như hai vế của một mắt xích. Nếu thiếu một trong hai vế đó ắt sẽ không thể hoạt động đúng yêu cầu. Cán bộ, nhất là người đứng đầu phải có tài năng, đạo đức, trình độ chuyên môn, có tâm, có tầm. Đạo đức không nên hiểu đơn giản là "hiền lành", không "đụng chạm", không đòi hỏi, không bè phái, thế nào cũng được, "dĩ hòa vi quý".... Đạo đức chúng ta cần ở người cán bộ là đạo đức cách mạng, vì nhân dân, vì sự công bằng xã hội, văn minh và giàu mạnh của đất nước", ông Hạnh nói.
Ông Vũ Quang Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư số12, phường Tân Bình (TPHải Dương) lại kỳ vọng đề án về công tác cán bộ sẽ góp phần làm tốt việc kiểm soát quyền lực và phòng chống "chạy chức, chạy quyền". Ông Bình cho rằng những hiện tượng “thăng tiến thần tốc” hay “cả họ làm quan” mà báo chí nêu trong thời gian qua cho thấy công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Theo ông Bình, để phòng chống “chạy chức, chạy quyền”, tránh tình trạng sắp xếp, ưu tiên người nhà, người thân, thì dù ở cấp nào cũng cần cơ chế thi tuyển công khai, minh bạch, có vậy mới thu hút, tuyển chọn được người tài. Cùng với đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ.
Trả lương theo năng lực
Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cũng là thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì sau 4 lần cải cách, tiền lương của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đời sống. Không ít nơi sử dụng nhiều cán bộ, viên chức nhưng không phát huy được hiệu quả trong khi quỹ lương ngày càng phình to. “Giảm biên chế và tăng lương theo năng lực là việc làm cần thiết”, ông Hiền nói.
Ông Hiền hy vọng Hội nghị Trung ương 7 sẽ thảo luận và đề ra được mức lương phù hợp, giúp cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, nhất là thu hút được người tài làm việc tại các cơ quan công quyền. “Trong khi một số doanh nghiệp ngoài Nhà nước sẵn sàng chi mức lương “khủng” để thu hút và giữ chân người lao động thì chính sách tiền lương của Nhà nước thời gian qua vẫn theo kiểu bình quân, cào bằng. Tôi cho rằng thời gian tới nên trả lương theo năng lực, hiệu quả công việc thay vì trả lương theo bằng cấp. Cách làm này nhằm giúp cán bộ, công chức gắn bó hơn với công việc và phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trong mỗi vị trí việc làm, góp phần tăng năng suất và hiệu quả công việc”, ông Hiền bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Thu ở khu 8, phường Tân Bình (TP Hải Dương) đang làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh lại kỳ vọng chính sách lương mới sẽ khắc phục được tình trạng “chưa tăng lương đã tăng giá hiện nay”. Gần 9 năm công tác, chị Thu mới được hưởng mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa bằng một nửa mức lương kế toán cho doanh nghiệp, thậm chí chưa bằng lương của một chị làm công nhân cho Công ty THHH May Tinh Lợi. Chị Thu cho rằng lâu nay việc tăng lương của Nhà nước chủ yếu chạy sau để bù trượt giá. “Tôi hy vọng chính sách tiền lương lần này sẽ khắc phục được các bất cập hiện nay”, chị Thu nói.
Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân
Anh Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc BHXH Tứ Kỳ hy vọng những thay đổi trong chính sách BHXH được Hội nghị Trung ương 7 xem xét lần này sẽ tạo sự linh hoạt, đa dạng theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Anh Minh phân tích, hiện cả tỉnh Hải Dương có 30,19% số người lao động tham gia BHXH (khoảng 307.000 lao động). Vẫn còn tới gần 70% số lao động chưa tham gia BHXH, chủ yếu là nông dân và lao động nông thôn, lao động phi chính thức. Đề án cải cách chính sách BHXH lần này theo hướng tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Việc cải cách thiết kế lại hệ thống BHXH từ đơn tầng thành đa tầng với việc tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và chia sẻ rủi ro sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân khi đang làm việc và về hưu.
Việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH có thể là 10 năm hoặc 15 năm (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người có thời gian tham gia BHXH ngắn, người trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia BHXH lần đầu tiếp cận chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Còn chị Phạm Thị Thùy đang công tác tại UBND phường Thanh Bình (TP Hải Dương) mong Hội nghị Trung ương 7 sẽ thảo luận và đưa ra những quyết sách quan trọng để hoàn thiện chính sách BHXH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. "Nhà nước cần có quy định bắt buộc người dân tham gia BHXH tự nguyện như từ bao nhiêu tuổi trở lên mà có thu nhập thì phải đóng, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn, tai nạn, rủi ro, người có thu nhập thấp tham gia BHXH; giảm độ tuổi được hưởng lương hưu...", chị Thùy kiến nghị.
PV