Đó là mảnh vải có màu xanh cỏ úa, là chiến lợi phẩm thu được từ dù của máy bay địch thả xuống trận địa Điện Biên Phủ.
Cụ Tạ vẫn dùng tấm vải dù từ thời tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ làm khăn quàng cổ khi trời lạnh
Năm 2012, cụ Lê Đình Tạ vinh dự nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90, kỷ niệm 66 năm tham gia đội cảm tử quân thị xã Hải Dương đánh trận Trường Con gái tháng 10-1946.
Khi được kết nạp Đảng (tháng 9-1947), cụ Tạ là chiến sĩ thuộc đại đội 74, tiểu đoàn 5, trung đoàn 44, thuộc quân chủ lực, đánh địch ở các huyện Ninh Giang, Gia Lộc. Đại đội 74 là một trong những đơn vị nòng cốt để hình thành nên Đại đoàn 304 đánh trận Điện Biên Phủ.
Hơn 30 năm trong quân ngũ, cụ Tạ đảm nhận nhiệm vụ trên cả 2 lĩnh vực: chính trị và quân sự. Cụ từng tham gia đơn vị đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp, năm 1959 làm chủ nhiệm chính trị trung đoàn 202. Đây là trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cụ cũng tham gia đơn vị pháo phòng không 57mm đầu tiên của quân đội ta, năm 1960 làm phó chính uỷ trung đoàn pháo phòng không 230. Năm 1963, cụ về công tác ở Cục Đối ngoại thuộc Bộ Tổng tham mưu, đảm nhận chức trưởng phòng lễ tân, quân hàm đại tá đến ngày nghỉ hưu năm 1979, về ở cùng gia đình, số 17 phố Tam Giang (TP Hải Dương).
Cụ Tạ còn giữ được kỷ vật là tấm vải dù khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Vải có màu xanh cỏ úa, là chiến lợi phẩm thu được từ dù của máy bay địch thả xuống trận địa Điện Biên Phủ.
Tấm vải dù ngày ấy, nay vẫn được cụ Tạ dùng làm khăn quàng giữ ấm cổ khi trời lạnh. Cụ Tạ kể: Ngày ấy tôi làm chính trị viên phó tiểu đoàn 400, trung đoàn 9, đại đoàn 304. Đơn vị đang đóng quân ở tỉnh Phú Thọ nhận lệnh cấp trên giao đã nhanh chóng hành quân sang tỉnh Hòa Bình, bám theo quốc lộ số 6 tiến lên Điện Biên Phủ. Đi trên quốc lộ nhưng gian khổ và ác liệt. Ngày ấy, máy bay địch quần thảo cả ngày lẫn đêm để tìm diệt lực lượng quân ta nên toàn phải đi đêm để tránh thương vong. Đường số 6 nằm trên lưng chừng những quả núi cao, khi lên dốc, lúc xuống dốc, con đường ngoằn ngoèo chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều cua tay áo hiểm trở. Các đơn vị đều thận trọng khi hành quân, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều chấp hành quy định đeo ngụy trang tự làm bằng cành cây rừng phủ trên ba lô nhưng vẫn có đồng chí hy sinh do bị máy bay địch thả bom, bắn đạn vào vị trí đang hành quân. Vượt qua đèo Pha Đin, một trong những con đèo nguy hiểm nhất vùng Tây Bắc, đơn vị dừng chân ở Tuần Giáo. Đây là điểm rẽ từ quốc lộ 6 vào quốc lộ 279 để đến Điện Biên. Ở điểm dừng chân này, đơn vị được cấp trên trang bị cho mỗi cán bộ 1 tấm vải dù từ chiến lợi phẩm để thay lá ngụy trang. Trên đường hành quân, tấm vải dù vừa tiện khi sử dụng, vừa đỡ tốn thời gian tìm kiếm lá ngụy trang hằng ngày. Khi đơn vị đào hào tiến công địch trong lòng chảo Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ đi từ nơi đóng quân đến vị trí đào giao thông hào chừng 120 phút. Thời gian đi, về, đào hào đều làm ban đêm. Nhiều hôm pháo sáng thả từ máy bay địch sáng như ban ngày. Chúng phát hiện dấu vết quân ta là lập tức dội bom, xả đạn tiêu diệt. Hằng ngày, lúc đi, khi về rồi đào được đoạn hào nào đều phải ngụy trang che mắt địch ngay. Ban đầu đơn vị làm nhiệm vụ đào giao thông hào, khi chiến dịch bước vào giai đoạn 2, tôi phụ trách chốt chặn địch đoạn giao thông hào giữa Hồng Cúm và Him Lam. Tấm vải dù rất tiện lợi, hữu ích - cụ Tạ bộc bạch.
Bây giờ điều kiện kinh tế khá giả, hàng hóa phong phú, khăn quàng chống rét nhiều và đẹp nhưng tấm vải dù được cấp trên trang bị ngày hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn là vật dụng thân thiết của cụ Tạ. Mỗi khi cầm tấm vải dù thì hình ảnh đồng đội với những kỷ niệm đời lính, kỷ niệm chiến trận lại ùa về. Kể đến đây, cụ Tạ đọc thơ tự bạch: Kỷ niệm Điện Biên có vật này/Giữ sao cho trọn đến ngày ra đi. Câu thơ xúc động, tình đồng đội ẩn trong từng con chữ.
VĂN LỘC