Với 232 trang sách, khổ 14,5 x 20,5 cm, tập “Ký ức tàu không số” của nữ tác giả Mã Thiện Đồng đã đưa người đọc theo chân các chiến sĩ Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển xuôi ngược từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam trong suốt những năm gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Viết về tuyến đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được sách báo, phim ảnh nói nhiều, tác giả Mã Thiện Đồng không trực tiếp viết về những chiến công, dẫu rất đáng viết, mà chị chọn lối đi cho mình bằng kể lại những câu chuyện về những con người từng tham gia vận tải trên những con tàu không số từ ngày đầu dò dẫm tìm đường vận tải biển.
Tập ký sự mở ra bằng câu chuyện về người đầu tiên mở luồng vận chuyển vũ khí vào tận đất mũi Cà Mau. Giữa đêm tối, một chiếc thuyền con “đột nhập” vào Nhật Lệ (Quảng Bình), bị bộ đội biên phòng ta bắt, nhưng người đứng đầu cứ một mực đòi đưa đi Hà Nội gặp Trung ương. Đó là chiếc thuyền gỗ thô sơ, do Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng bảy người nữa, được Tỉnh ủy Cà Mau giao nhiệm vụ ra Bắc nhận vũ khí chở vào chiến trường cực Nam, rời Rạch Cá Mòi ngày 1-8-1961, sau 6 ngày lênh đênh trên biển, tối 7-8 cập cửa Nhật Lệ. Có kinh nghiệm đi biển và ứng phó với tàu địch trên biển khi từ miền Nam ra, ngày 8-4-1962, Bông Văn Dĩa được giao nhiệm vụ chỉ huy tàu trinh sát, cùng năm người nữa, đưa vũ khí vào Vàm Lũng (Cà Mau). Sau chuyến đi trinh sát tìm bến đổ vũ khí vào cực nam Nam Bộ, Bông Văn Dĩa vinh dự được lên báo cáo kết quả chuyến trinh sát với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuộc gặp có một không hai cùng câu nói đã “đi vào lịch sử” của Bác Hồ: “Đi biển kiểu ấy thì xưa nay chỉ có Cri-xtốp Cô-lông và chú” mãi là phần thưởng cao quý và nguồn động viên không chỉ Bông Văn Dĩa mà còn là của tất cả các chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân tham gia vận tải vũ khí, thuốc men cho miền Nam suốt những năm chống Mỹ.
Tập sách gồm 12 câu chuyện (như 12 chương), được đặt tiêu đề riêng, chẳng hạn như sau chuyện thứ nhất “Người mở luồng” là đến “Mắc cạn trước đồn địch”, “Tàu sắt rẽ sóng”, rồi “Bất ngờ và táo bạo - sự kiện Vũng Rô”... Trong mỗi câu chuyện tác giả lại đan xen kể những mẩu chuyện nhỏ và đặt tên riêng để người đọc dễ theo dõi. Chẳng hạn ở chuyện “Người mở luồng”, tác giả kể sáu mẩu chuyện, có mẩu rất xúc động như chuyện Bông Văn Dĩa từ tận mũi Cà Mau ra, trước khi xuống tàu đi chuyến trinh sát một sống hai chết trở lại miền Nam, được tổ chức bố trí đến thăm Nhà máy Sắt tráng men Hải Phòng và bất ngờ gặp cậu con trai Bông Văn Dũng sau bao năm bặt tin, giờ đang là công nhân nhà máy. Còn có thể dẫn ra nhiều mẩu chuyện khác cũng rất xúc động. Chẳng hạn, chuyện về 14 chiến sĩ trên con tàu mang bí số 43B vận chuyển 40 tấn vũ khí cập bến Mỹ Á, Đức Phổ, Quảng Ngãi dịp tết Mậu Thân 1968. Bị tàu địch phát hiện và tấn công, các chiến sĩ đánh trả quyết liệt, rồi bất ngờ cho tàu nổ tung theo kế hoạch, chứ không chịu để tàu rơi vào tay giặc. Còn 14 chiến sĩ trên tàu, bằng mưu trí và dũng cảm, người lành dìu người bị thương vào bờ, được nhân dân hết lòng đùm bọc. Hình ảnh ông Ba ở xã Phổ Thiện, huyện Đức Phổ, cõng thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp, quê xã An Thạnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, về nhà mình lau rửa vết thương, cho anh ăn từng thìa cháo là chi tiết sống động về tình quân dân thắm thiết.
Có thể nói, mỗi trang sách là một câu chuyện xúc động về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, mưu trí và tình cảm thắm thiết giữa những con người đồng tâm, đồng chí vì nghĩa cả. Quê ở TP Hải Dương, hiện sống và viết ở TP Hồ Chí Minh, Mã Thiện Đồng đã có 7 cuốn truyện ký và thơ, nhưng lần này viết “Ký ức tàu không số” dường như chị không có ý làm văn chương, mà chỉ: “Cố gắng ghi lại lời các anh kể, để những câu chuyện thần kỳ này được lưu truyền mãi về sau”. Với một cách viết uyển chuyển và sinh động, tác giả đã mang đến cho người đọc tập ký sự chân thực và xúc động như một huyền thoại về những con người từng tham gia trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
CAO NĂM