Ký ức Điện Biên

07/05/2015 10:56

Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều đã tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi nhắc đến một thời hào hùng sống và chiến đấu năm xưa ai nấy đều phấn chấn...



Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Thảo thường xuyên mang những tấm hình thời quân ngũ
 ra xem để nhớ về một thời hào hùng và oanh liệt


Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hải Dương có hàng vạn người con trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Chiến dịch đã lùi xa 61 năm, nay những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều đã tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi nhắc đến một thời hào hùng sống và chiến đấu năm xưa ai nấy đều phấn chấn và không khỏi bồi hồi xúc động.


Cuối năm 1953, đầu năm 1954, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta diễn ra vô cùng khẩn trương. Trên các ngả đường, bộ đội chủ lực, dân quân, những đoàn xe ô-tô, xe thô sơ chở vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tấp nập.

Cụ Vũ Đức Kính nay 86 tuổi ở khu dân cư số 14, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) là lính công binh thuộc Trung đoàn 151 đã có mặt ở Điện Biên Phủ vào cuối năm 1953. Đơn vị đóng chốt ở ngã ba Còi Nòi làm nhiệm vụ mở đường, làm cầu, rà phá bom mìn để quân  ta vận chuyển lương thực, vũ khí, kéo pháo vào trận địa. Đây là điểm nút giao thông quan trọng (nơi giao nhau của các trục đường 13, 41 nối với đường 6 từ Hà Nội lên suối Rút, từ bến đò Tạ Khoa tới ngã ba Còi Nòi, ngã ba Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ) nên hằng ngày địch dùng các loại máy bay liên tục quần thảo, ném bom bắn phá ác liệt, hòng ngăn cản quân ta. Do đó, công việc của những người lính công binh rất vất vả, nguy hiểm. Khi máy bay địch ngừng hoạt động, họ phải lập tức lao ra từ nơi trú ẩn san lấp hố bom, tu sửa cầu phà, phá bom nổ chậm để bảo đảm giao thông thông suốt.

Sau khi được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chiều 13-3-1954, quân đội ta khai hỏa mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng trận đánh vào cứ điểm Him Lam. Với hỏa lực mạnh của quân đội ta, địch nhanh chóng tan rã. Thắng lợi trong trận đầu đã tiếp thêm sức mạnh để quân đội ta lần lượt đánh hạ những cứ điểm trọng yếu khác như: đồi Độc Lập, đồn Bản Kéo, các cứ điểm A1, D1, C1, C2, E, D1, D2...

Thắng lợi của chiến dịch có phần đóng góp quan trọng của lực lượng pháo binh. Cụ Nguyễn Văn Thảo năm nay 87 tuổi ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) từng là Trung đội trưởng Tiểu đoàn Pháo cao xạ 533, Đại đoàn 351 nhớ lại: Tiểu đoàn được trang bị 12 khẩu pháo 12 ly 8, 37 ly và cùng các đơn vị pháo binh khác được đặt trên các đỉnh đồi xung quanh khu vực Điện Biên Phủ. Pháo binh được bố trí với phương châm: "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung". Đội hình pháo tuy đặt rời rạc nhưng đều hướng về các mục tiêu của địch. Được bố trí an toàn, hiệu quả, lực lượng pháo binh của ta đã phát huy tác dụng làm vô hiệu hóa lực lượng pháo binh cũng như hỏa lực của địch và hỗ trợ đắc lực để lực lượng bộ binh đánh chiếm các địa điểm trọng yếu. Lực lượng pháo phòng không của đơn vị cụ Thảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi nhiều máy bay địch và ngăn cản máy bay địch ném bom đánh phá cũng như tiếp viện lực lượng, thực phẩm. Do bị pháo phòng không của quân ta đánh mạnh nên vào giai đoạn cuối của chiến dịch, máy bay tiếp viện của địch không dám hạ cánh, bay thấp như trước.

Trong những lần tham gia chiến đấu, cụ Nguyễn Chí Thân nay đã 80 tuổi ở khu dân cư An Nhân Đông, thị trấn Tứ Kỳ nhớ nhất là đánh chiếm cứ điểm trọng yếu đồi A1. Thời gian này, cụ Thân thuộc Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Đại đoàn 316 phụ trách bộ phận hỏa lực là súng cối 60mm và 80mm. Do địch tập trung hỏa lực nên cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên giành giật nhau từng mét đất. Đơn vị cụ đặt súng dưới chân đồi bắn phá các lô cốt, ụ súng của địch để yểm trợ cho bộ đội chủ lực tiến công...

Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ sau "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt". Cụ Đặng Văn Lại năm nay 83 tuổi ở khu dân cư La Tỉnh Bắc, thị trấn Tứ Kỳ từng là lính thông tin thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 nhớ như in giờ khắc lịch sử ấy. "Khi trực máy, nhận được thông tin báo về là chiến dịch đã toàn thắng, chúng tôi không ai bảo ai đều bật dậy lao lên khỏi hầm và ôm chầm lấy nhau phấn khởi reo hò, nước mắt cứ chảy ra trong niềm sung sướng, hân hoan tột độ. Cả đơn vị chạy một mạch xuống chân đồi xem tướng Đờ Cát và quân địch ra hàng", cụ Lại xúc động kể.

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên người thì rời quân ngũ về quê hương, người tiếp tục ở lại gắn bó với mảnh đất Điện Biên, người chuyển ngành hay tiếp tục con đường binh nghiệp. Sau khi nghỉ chế độ hoặc trở về quê hương, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều tích cực tham gia công tác ở địa phương, nêu gương giáo dục con cháu và có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 13.000 chiến sĩ Điện Biên. Tuy đều đã tuổi cao, sức yếu nhưng họ vẫn nêu gương sáng cho con cháu noi theo.

NGUYỄN LÊ

(0) Bình luận
Ký ức Điện Biên