Tôi chưa có dịp hỏi nhà thơ Hà Cừ những năm 70 của thế kỷ trước anh làm gì ở Hà Nội, nhưng đọc thơ cũng thấy hẳn anh có nhiều kỷ niệm gắn bó với Thủ đô mới có thể chỉ bằng hai câu: “Đêm chiến dịch bầu trời cháy đỏ/Máy bay thù rơi vẩn nước hồ Tây” đã phác họa được 12 ngày đêm Hà Nội anh dũng đập tan cuộc không kích chiến lược B52 của Mỹ (tháng 12-1972).
Đấy là khoảng thời gian bất cứ người Việt Nam nào cũng không thể quên. Bởi có người dân yêu nước nào lại có thể quên ngày tháng kẻ thù dội đạn bom xuống Thủ đô-Trái tim mình! Thế nên, thật hạnh phúc biết bao những ai được sống giữa trái tim yêu những ngày không thể nào quên ấy. Có lẽ Hà Cừ cũng như nhiều người luôn ý thức được niềm kiêu hãnh ấy, nhưng anh lại khác người, không chỉ “yêu anh em để trong lòng” mà chuyển tải niềm kiêu hãnh của một thế hệ, ở một thời không thể nào quên, đến với nhiều người, ở những thế hệ khác nhau. Âu đấy cũng là đặc điểm của nhà thơ “thư ký thời đại”. Thế nên, đọc suốt năm khổ thơ thấy toát lên một bút pháp hoan ca say đắm, ngay cả khi nhà thơ đặc tả sự khốc liệt của đạn bom “Đêm chiến dịch bầu trời cháy đỏ”, thì liền sau đó vẫn là một không khí thanh bình- thanh bình tưởng đến giặc Mỹ ném bom mãi đâu xa chứ không phải giữa Thủ đô: “Liễu rủ hồ Gươm, đường Nguyễn Du vẫn ngạt ngào hoa sữa/Lấp lánh ánh đèn cửa ô, mái phố”. Nhưng không còn hoàn toàn là không khí thanh bình khi nhà thơ “cài đặt” rất khéo một câu thơ đặc tả chân dung khỏe và đẹp như để lưu ý người đọc, đây vẫn đang là không khí “thời chiến”: “Cô tự vệ thành súng khoác chéo ngang vai”. Một hình ảnh đẹp đầy kính trọng, và chi tiết đến cái quai súng “chéo ngang vai” cũng được vẽ rất gợi. Hẳn nhiều người còn nhớ những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, hình ảnh những dân quân, tự vệ nữ nai nịt gọn gàng, súng khoác ngang vai luôn là hình ảnh hấp dẫn không chỉ các nhà nhiếp ảnh, mà còn với các nhà văn, nhà thơ. Ngay đến nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài “Chia tay trong đêm Hà Nội” viết năm 1967, cũng có câu kết hay và đẹp thế này: “Em/Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em”.
Hẳn là những năm tháng ấy, nhà thơ Hà Cừ đã gắn bó ân tình, thân thiết với Hà Nội đến mức nào thì sau 40 năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thủ đô giải phóng tháng 10-2000, ông mới cho ra “Hà Nội những ngày tôi ở đó” đậm ký ức hoan ca, say đắm đến thế. Đây là Hà Nội sau những trận bom B52 của Mỹ: “Tàu điện Hàng Bài, phố Huế vẫn ung dung/Tấp nập ngược xuôi dòng người hối hả/Cô gái làng hoa Ngọc Hồi óng ả/Gánh hoa tươi vào phố sáng nét cười”. Một Hà Nội giữa những trận bom “hủy diệt” của giặc vẫn ấm áp tình người, sáng ngời lòng nhân ái và hừng hực hào khí Đông A, thì dù thời gian có trôi đi, đối với những ai từng sống ngày tháng ấy vẫn luôn “cháy mãi niềm khát vọng” được sống lại với những ký ức đẹp hào hùng một thời không thể nào quên. Thơ viết về những ngày tháng cách nay gần nửa thế kỷ, nhưng với một ngòi bút dạt dào ký ức và đằm sâu yêu mến vùng đất, con người Hà Nội, nên nhà thơ đã mang đến cho người đọc niềm say mê, cuốn hút.
Hà Cừ Hà Nội những ngày tôi ở đó Tôi sinh ra giữa quê lúa sông Hồng Nhưng Hà Nội, những tháng năm hào hùng tôi ở đó Đêm chiến dịch bầu trời cháy đỏ (*) Máy bay thù rơi vẩn nước hồ Tây. Trong đạn bom Thủ đô vẫn bình thản nhường này Liễu rủ hồ Gươm, đường Nguyễn Du vẫn ngạt ngào hoa sữa Lấp loáng ánh đèn cửa ô, mái phố Cô tự vệ thành súng khoác chéo sau lưng. Tàu điện Hàng Bài, phố Huế vẫn ung dung Tấp nập ngược xuôi dòng người hối hả Cô gái làng hoa Ngọc Hồi óng ả Gánh hoa tươi vào phố sáng nét cười. Đã xa rồi những năm ấy bảy mươi Giờ ngoảnh lại nhớ một thời gian khó Giữa dữ dội đạn bom lòng người sáng tỏ Nét hào hùng, nhân hậu…đất nghìn năm. Đã xa rồi những năm tháng khó khăn Càng thêm quý những ngày ta đã sống Hà Nội ơi, cháy mãi niềm khát vọng Xin được đổi ngàn ngày để sống lại một ngày xa. Hải Dương, 12-10-2000 (*) Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tiêu diệt máy bay B52 của giặc Mỹ (12-1972) |
CAO NĂM