Ký ức của mẹ

09/12/2018 14:29

Tiếng chày bình bịch giã vào lòng cối đầy những hạt lạc tròn. Mẹ nhón tay bốc thêm ít muối bỏ vào cối giã làm vừng lạc.



Tiếng chày bình bịch giã vào lòng cối đầy những hạt lạc tròn. Mẹ nhón tay bốc thêm ít muối bỏ vào cối giã làm vừng lạc. Muối tinh hạt to, trắng xóa trộn đều cùng vừng lạc thơm lừng. Mẹ xúc từng thìa to vào trong chiếc lọ nhựa, đậy cẩn thận làm đồ ăn những ngày mưa, nhỡ chợ. Lần nào làm món này, mẹ đều kể về tuổi thơ khó nhọc một thời cho chúng tôi nghe. Những câu chuyện không mở đầu và chẳng bao giờ kết thúc, bắt đầu bằng cái giọng ngậm ngùi với cụm từ “ngày xưa nghèo lắm con ạ”.

Ngày xưa, nhà bà ngoại đông con, những 4 người. Mẹ là thứ hai trong nhà, bác đi học xa nên mọi việc một tay mẹ phụ ông bà quán xuyến. Đi học nửa ngày, buổi chiều mẹ làm đủ việc nhà: trông em, nấu cám lợn, làm cỏ vườn rồi ra đồng be bờ, cuốc ruộng. Tuổi thơ trong ký ức mẹ là những lần bế em đến vẹo sườn. Hay những lần vần nồi cám lợn to bằng nửa người bị khê đặc, để rồi bị bà mắng, cho ăn roi. Bốn giờ sáng mẹ đã phải dậy băm bèo. Ngày ấy thiếu thốn từ miếng ăn đến cái mặc. Làm quần quật cả ngày nhưng ông bà cũng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn. Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên khi mẹ bảo: “Thời của mẹ được ăn no là giấc mộng cả đời. Thế nên giờ nghĩ lại thấy cái món cơm rang, cơm cá sao mà ngon thế. Cơm độn khoai lang ngày ấy là đặc sản đó. Thịt khan hiếm và đắt đỏ lắm nên có khi cả tháng bà ngoại mới mua được mấy lạng thịt bèo nhèo đầy mỡ về, đâu có được như bây giờ. Thịt nạc lại càng đắt đỏ. Chỉ khi nào ốm đến không ăn được thứ gì ngoài cháo, bà mới dám mua một miếng nhỏ, băm ra rim thật mặn, nấu thật nhừ ăn cả ngày. Ông bà nuôi cho đủ ăn đã vất vả rồi nói gì đến chuyện được học hành. Lên lớp 8 thì mẹ nghỉ học. Tiếc lắm nhưng như thế nhà không phải lo khoản học phí, tiền sách vở bút mực. Nhớ những tối chong chong bên ngọn đèn dầu ngồi trên cót thóc góc nhà học bài. Mọt mối, rặm thóc gãi đỏ cả tay. Rồi dì và cậu ra đời, đều qua tay mẹ bế bồng, rong chơi khắp làng trên xóm dưới. Con gái thanh tân thiếu nữ chẳng biết ngại ngùng, quần xắn tận đùi mà đi mò cua bắt ốc, hái rau muống bè, lấy bèo cho lợn chả sợ trai làng trêu".

Ngày ấy mẹ trẻ, duyên và hay lam hay làm nên nhiều người theo đuổi nhưng mẹ lại gật đầu ưng thuận theo bố về làm vợ. Có lẽ bởi cái tính hiền lành chăm chỉ và nhát gái của bố. Bà ngoại sống nền nếp, truyền thống nên đức tính ấy truyền sang mẹ. Mỗi bận bố đạp xe sang nhờ mẹ qua cấy hộ mà hai chiếc xe lọc cọc người đầu làng người giữa làng. Đi cách xa vài mét. Ngày mẹ về nhà chồng cách có một con sông mà cả làng xóm xuýt xoa tiếc nuối. Bà ngoại nhớ mẹ khóc suốt cả buổi chiều. Không được bồi dưỡng đầy đủ, ăn uống thiếu chất lại phải làm lụng nặng nhọc lúc mang thai nên mẹ sinh tôi thiếu tháng. Tôi phải nằm ấp trong lồng kính đến mấy tuần bác sĩ mới cho về nhà. Tôi bé như con mèo hen khiến hàng xóm sang chơi cứ bàn tán mãi: “Bao giờ mới được bằng cân như con người ta. Nó bé thế này biết có nuôi được không?!” làm mẹ rầu hết cả ruột. Bố ngày đi phụ vữa đêm còn lần mò xúc tép tôm, cởi trần đánh giậm giữa trưa về nấu bột cho tôi…

Những câu chuyện về đoạn đường đã qua của mẹ cứ mãi tiếp diễn như thế sau mỗi lần mẹ vá áo, giã muối vừng hay trong lúc mẹ muối cà, đi cấy. Có những câu chuyện làm chúng tôi cười mỏi miệng, có những chuyện lại làm chúng tôi lặng người vì xúc động nhưng đều là những bài học sâu sắc mà mẹ muốn khuyên dạy chúng tôi: Biết trân trọng hiện tại nhưng đừng quên quá khứ. Tuổi thơ vui vẻ đủ đầy của chị em tôi sẽ bù đắp cho thời khó nhọc, thiếu thốn của mẹ. Văng vẳng đâu đây trong ký ức tôi là tiếng chày thình thịch nện xuống lòng cối đá và bàn chân đất của một người con gái đêm đêm nhấn những nhịp chày khuya. Vất vả. Tảo tần.

ĐÀO THỊ NGỌC CHÂM(Lớp 9B, Trường THCS Cộng Lạc, Tứ Kỳ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức của mẹ