Kỹ thuật thâm canh cây ăn quả

12/03/2016 09:22

Hiện là thời kỳ trồng cây ăn quả vụ xuân. Để mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, xin tư vấn một số kỹ thuật sau:


+ Thời vụ và cách trồng: Cây ăn quả thích hợp nhất là trồng trong vụ xuân. Khoảng cách trồng ở vùng đồng bằng nên 5 x 6 m, vùng trung du đồi núi cách 6 x 7 m. Nếu trồng để làm vườn cây mẹ lấy mắt ghép nên chọn khoảng cách 2 x 3m. Thời kỳ đầu khi cây ăn quả chưa giao tán nên trồng xen các cây ngắn ngày vào chỗ trống để tăng hiệu quả sử dụng.

+ Đào hố, bón lót, trồng cây: Hố trồng được đào với kích thước 60 x 60 cm. Bón lót mỗi hố 15-20 kg phân chuồng hoai mục hoặc 5-7 kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 kg supe lân + 0,3 kg KCL + 0,1 kg vôi bột. Phân bón được trộn đều với đất cho xuống hố, vun ụ nổi so với mặt đất cao khoảng 20-25 cm đối với vùng thấp, vùng cao có thể trồng sâu hơn. Vét 1 hố nhỏ giữa ụ, đặt bầu cây ngang với mặt ụ, rạch bỏ túi bầu nilon rồi vun đất nén chặt xung quanh bầu. Phủ 1 lớp rơm rác hoặc cỏ khô dày 2-3 cm. Tưới ngay sau trồng mỗi cây 1 thùng nước. Các cây có lộc non thì cắt bỏ vừa để tạo tán vừa chống mất nước cho cây. Sau 20 ngày cây ổn định, lấy dao rạch lớp nilon chỗ vết ghép để cây phát triển.

+ Chăm sóc, tạo tán: Trong tuần đầu tiên mỗi ngày tưới cho cây 1 lần vào sáng hoặc chiều. Sau đó cách 2-3 ngày tưới 1 lần cho tới hết tháng. Khi cây đã hồi phục sẽ tưới thưa hơn, bảo đảm đất luôn ẩm. Trong giai đoạn cây chưa có quả có thể bón thúc cho cây 0,5 kg u rê + 0,5 kg KCL + 1 kg lân supe/năm hoặc sử dụng NPK chuyên dùng. Phân bón cần chia làm nhiều lần để bón, có thể rải phân quanh tán và lấp đất hoặc tưới với nước.

Khi cành ghép cao từ 30-40 cm, bấm ngọn để tạo cành cấp 1, cành này dài 30-40 cm bấm ngọn tiếp để tạo cành cấp 2, từ đây sẽ tạo ra cành cấp 3. Nên để 3-4 cành cấp 1, 6-8 cành cấp 2 và 12-16 cành cấp 3, như vậy cây sẽ có bộ tán thấp hình mâm xôi thuận lợi cho việc thu hái, lại cho năng suất cao.

+ Phòng trừ sâu bệnh: Cây ăn quả hay bị các đối tượng sâu bệnh gây hại như nhóm chích hút, nhóm ăn lá, các bệnh hại trên lá, hoa và rễ.  Đối với nhóm chích hút (bọ xít, rầy, rệp, nhện đỏ, bọ trĩ...), dùng một trong các loại thuốc: Serpa 0,1%, Depterex 0,2-0,3%, Pegasus 0,1%, Dnitol 0,1-0,2%... Với nhóm sâu ăn lá như sâu đục ngọn, sâu đục quả... dùng một trong các loại thuốc như Decis 0,1-0,2%, Sumicidin 0,1 - 0,2%, Padan 0,1-0,2%... Sâu hại gốc rễ (mối, kiến, bọ cánh cứng...), sử dụng Basudin, Lidanfor, Sevidol để trị. Ngoài ra cần tiến hành phun thuốc diệt trừ các loại sâu qua đông như bọ xít, rệp, rầy... để bảo vệ lá và nụ hoa. Các bệnh trên lá (khô đầu lá, cháy mép, đốm lá...), sử dụng các thuốc như Rhidomil 0,2%, Anvil 0,2%, Bayfidan 0,2%, Score 0,1%, Aliette 0,3%...

* Chú ý:  Đối với sâu bệnh trên lá nên phun 2 lần cho mỗi đợt lộc (lần 1 khi cây bắt đầu phát lộc, lần 2 khi lộc rộ. Có thể phun riêng hoặc phun phối hợp cả thuốc sâu lẫn thuốc bệnh). Đối với vườn cây trưởng thành, bệnh thối hoa hay xuất hiện vào tháng 12, gây hại trong tháng 1 và tháng 2 làm cho các chùm hoa thối khô có màu nâu gây thiệt hại có lúc lên đến 80-100%. Để phòng trừ bệnh hiệu quả nên sử dụng một trong các loại thuốc như Bordeaux 1%, Rhidomil 0,2%, Anvil 0,2%...

KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ thuật thâm canh cây ăn quả