Kỹ thuật gieo cấy giống lúa lai N.ưu 69

09/07/2011 07:22

N.ưu 69 có thời gian sinh trưởng từ 130-132 ngày vào vụ xuân và 110-115 ngày vụ mùa. Sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khoẻ, gọn, khả năng thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh bạc lá trong vụ mùa.



Thu hoạch lúa lai ở Thanh Miện


Giống lúa lai N.ưu 69 (N5A x R97-69) do Trung tâm Khai thác khoa học kỹ thuật lúa lai Nội Giang và Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đắc Nguyệt ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) phối hợp chọn tạo. Giống này đã được khảo nghiệm sản xuất trình diễn trên địa bàn tỉnh ta đạt kết quả tốt.
Đặc tính giống

- Giống lúa lai N.ưu 69 có thời gian sinh trưởng từ 130-132 ngày vào vụ xuân và 110-115 ngày vụ mùa. Sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khoẻ, gọn, khả năng thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh bạc lá trong vụ mùa. Trỗ bông tập trung, độ thoát cổ bông tốt. Ngoài ra, giống lúa lai N.ưu 69 còn có khả năng chống chịu rét, chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá và rất thích hợp khi được gieo cấy trên chân đất từ vàn thấp đến cao.

- Năng suất cao ổn định, đạt 7-8 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 10-12 tấn/ha, năng suất cao hơn Nhị Ưu 838 từ 5-10% và cao hơn Bắc Ưu 903 từ 14,3 - 17,8%. Chất lượng gạo khá.

Thời vụ và kỹ thuật gieo

- Đây là giống có thể gieo cấy được cả 2 vụ/năm, cấy ở xuân muộn, gieo từ 25-1 - 10-2. Mùa sớm gieo từ 1-20-6 (theo lịch gieo cấy lúa lai của từng địa phương cho thích hợp). Cấy tuổi mạ non từ 2,5-3 lá.

- Mật độ cấy: Tuỳ thuộc vào độ phì nhiêu của đất, có thể cấy 40 - 45 khóm/m2, cấy từ 1-2 dảnh/khóm.

Chăm sóc

- Đầu tư phân bón/ sào (360m2):

+ Phân chuồng: 300 - 400kg hoặc dùng 20-30 phân vi sinh Sông Gianh; supelân: 15-20kg; đạm urê: 8-10kg, kali: 7-8kg.

+ Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng và supe lân + 30% đạm + 20% kali.

+ Bón thúc lần 1: Khi lúa bén rễ, hồi xanh: 60% đạm + 30% kali.

+ Bón đón đòng: 10% đạm + 50% kali.

Trong suốt giai đoạn lúa đẻ nhánh cần giữ nước ổn định từ 3 -5cm. Đến cuối giai đoạn đẻ nhánh cần tiến hành rút nước phơi ruộng nứt nẻ chân chim. Sau đó cho nước to trở lại ruộng từ 5 - 10 cm cho đến khi lúa chín chắc xanh thì rút cạn nước.

Phòng trừ sâu bệnh: Để phòng trừ sâu bệnh một cách có hiệu quả cần thăm đồng thường xuyên để theo dõi tình hình sâu bệnh và phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời mới có hiệu quả cao.

- Với các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân sử dụng các loại thuốc Karate 2.5 EC, Regent 800WG, Padan 95SP, Proclaim 1.9EC.

- Rầy nâu, chích hút sử dụng thuốc Actara 25WG.

- Đạo ôn dùng các loại thuốc Filia 525SE, Fujione 40EC.

- Bệnh khô vằn dùng Validacin 5SC, Anvil 5SC.

- Bệnh lép hạt dùng thuốc Tiltsuper 300EC.

(Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ thuật gieo cấy giống lúa lai N.ưu 69