Kỹ thuật che ni-lông cho mạ

06/01/2012 15:10

Nhiệt độ bên trong luống mạ được che phủ ni-lông luôn cao hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 3-4oC giúp mạ chống chịu giá rét.

Nếu nhiệt độ môi trường bên ngoài thấp hơn 13oC, cây mạ ngừng sinh trưởng thân lá, nhiệt độ thấp hơn 10oC và kéo dài nhiều ngày thì rễ mạ ngừng hút nước, dinh dưỡng dẫn đến cây mạ bị chết héo.

Nếu che ni-lông không đúng cách như dùng ni-lông màu, làm cho cây mạ thiếu ánh sáng, sinh trưởng kém, lá mạ bị vóng vươn dài, dễ bị nấm, bệnh tấn công. Khi ni-lông bị rách, thủng sẽ thoát nhiệt bên trong luống mạ ra môi trường bên ngoài, làm cân bằng nhiệt độ trong và ngoài ni-lông nên không còn tác dụng. Nếu che ni-lông dạng “bệt” như trải chiếu lên bề mặt luống mạ, khi gặp rét đậm, rét hại đọng sương trên bề mặt, ni-lông sẽ bị trũng, nước sương giá lạnh làm mạ chết loang lổ, lá mạ sinh trưởng yếu; khi trời ấm, nhiệt độ ngoài trời cao hơn 25oC, ngọn lá mạ sẽ bị cháy vàng úa do nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Che ni-lông đúng cách là dùng ni-lông màu trắng, mỏng dai không bị rách, thủng trùm kín luống mạ trên một khung hình vòm cống, đỉnh khung cách mặt luống mạ 0,4-0,7 m. Lấy một thanh dài buộc liên kết các vòm cống ở phần đỉnh, hai bên hông khung cũng được buộc liên kết bằng thanh dài hoặc nối dây mềm làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc, nếu gặp gió bắc mạnh cũng không bị gẫy đổ. Vật liệu khung bằng tre, nứa cật vót mỏng 1 cm, rộng 2 cm, dài 2-2,2 m đủ che cho luống mạ rộng 1,2 m, khung có độ cao 0,4-0,7 m.

Trong thời gian che ni-lông cho mạ nếu gặp trời nồm, nhiệt độ ngoài trời tăng đột ngột hơn 25oC cần phải mở hai đầu ni-lông vào ban ngày để thoát hơi tránh cho mạ bị bệnh nấm mốc trắng hại cổ rễ, đề phòng lá mạ bị cháy xém do nhiệt độ tăng cao đột ngột, nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy ni-lông. Luôn giữ ẩm trên bề mặt luống mạ đạt độ ẩm 80-90%.

Trước khi cấy 2-3 ngày nên mở ni-lông cho mạ làm quen với nhiệt độ môi trường bên ngoài, hạn chế mạ bị "sốc" nhiệt khi cấy ngay ra ruộng, vì ruộng cấy có điều kiện tiểu khí hậu khác hẳn môi trường mạ che ni-lông.

(Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ thuật che ni-lông cho mạ