Phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên tức là cấy lúa hàng rộng xen kẽ hàng hẹp tạo điều kiện cho mọi khóm lúa trong ruộng đủ ánh sáng, đẻ nhánh khỏe như các khóm rìa bờ ruộng.
Cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên đã được thực nghiệm ở Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, một số hộ nông dân tại huyện Gia Lộc và nhiều tỉnh, thành phố như: Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định mang lại hiệu quả cao.
Cấy lúa theo kỹ thuật hàng rộng xen kẽ hàng hẹp số khóm/m2 ít, chỉ bằng 50 - 60% so với cấy bình thường, nên giảm lượng giống và công cấy, lúa đẻ nhánh khỏe, số bông/m2 cao, số hạt/bông nhiều nên năng suất tăng phổ biến trên 10%.
Cấy hàng rộng tạo độ thông thoáng trong ruộng lúa nên sâu bệnh phát sinh gây hại ít, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, thuận lợi cho việc rắc phân, nhổ cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật. Sau đây xin giới thiệu kỹ thuật cấy lúa hiệu ứng hàng biên như sau:
1. Chọn ruộng
Chọn chân ruộng cao, vàn cao, chủ động tưới tiêu, chất đất tốt.
2. Sử dụng giống
Giống chịu thâm canh, có khả năng đẻ nhánh khá, khỏe.
3. Kỹ thuật cấy
Khi cấy lần đầu nên chăng dây để lúa thẳng hàng. Tùy theo khả năng đẻ nhánh của từng giống để bố trí mật độ từ 25-30 khóm/m2. Kích thước hàng hẹp 20cm, hàng rộng 40cm, khóm cách khóm 12-17cm. Cấy nông tay, mỗi khóm 2 - 3 dảnh.
4. Bón phân
Bón lót là chủ yếu, bón thúc sớm để lúa đẻ nhánh sớm, nâng cao số dảnh hữu hiệu.
- Trung bình 1 sào bón 200kg phân chuồng, 15-20kg lân super, 6-8kg kali, 8-10kg ure.
Cách bón
Bón lót: Khi làm đất xong, đắp bờ ngăn, rắc phân lót ngay để phân chìm sâu trong đất, hạn chế bay hơi, rửa trôi và cung cấp nguồn dinh dưỡng từ từ cho lúa phát triển. Lượng bón: 100% phân chuồng và phân lân, 50% ure, 50% kali.
Bón thúc đẻ nhánh: Sau cấy 3 - 5 ngày. Lượng bón: 40% ure.
Bón đón đòng: Khi 10% dảnh chính có lá trên cùng thắt eo hoặc có đòng cứt gián. Lượng bón: 10% ure và 50% kali.
Lưu ý: Điều tiết nước và phòng trừ sâu bệnh như canh tác bình thường.
BÙI VĂN VIỆN (Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc)