Kỹ sư trẻ giỏi nuôi cá

18/09/2015 14:30

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư và có công việc ổn định, nhưng chàng trai trẻ ấy đã từ bỏ tất cả để về quê gây dựng cơ nghiệp.




Quản lý nuôi cá bằng phần mềm hiện đại nên anh Việt kiểm soát chặt chẽ hoạt động của trang trại


Với những nỗ lực, ham học hỏi, sáng tạo, hiện anh đã có một cơ ngơi đáng nể từ nghề nuôi thủy sản.

Dám từ bỏ công việc ổn định

Tới thăm trang trại nuôi thủy sản của anh Lê Văn Việt 32 tuổi ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) mới thấy hết ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của chàng trai trẻ này.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang với tấm bằng kỹ sư ngành chế biến, anh Việt được tuyển vào làm cho Công ty CP Nam Việt ở TP Hồ Chí Minh. Do làm tốt công việc chuyên môn, anh đã được lãnh đạo công ty tin tưởng cử sang Thái Lan 6 tháng để học thêm chuyên môn, nghiệp vụ. Tại đây, ngoài học nghiệp vụ, anh còn được tham quan những mô hình trang trại nuôi thủy sản hiện đại của người Việt Nam ở nước bạn. Anh đã học được từ kỹ thuật nuôi cá tới cách thiết kế trang trại một cách khoa học, hợp lý. Sau khi về nước, anh đem những thắc mắc về kỹ thuật nuôi cá đi hỏi những người có kinh nghiệm ở miền Tây và đã được trả lời cặn kẽ. Nhờ vậy, anh tích lũy được nhiều kiến thức về nuôi thủy sản.

Trở lại công ty, vừa phải tuân theo những quy định ngặt nghèo cộng thêm việc phải quản lý hàng nghìn công nhân khiến anh Việt bị áp lực nặng nề. Bên cạnh đó, nguyện vọng của gia đình là muốn anh về quê để chăm sóc cha mẹ già. Chính vì vậy, vợ chồng anh đã quyết định về quê lập nghiệp. Anh Việt kể: "Khi ấy, công việc của vợ chồng tôi rất ổn định, ngoài thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, vợ chồng tôi còn được công ty cấp nhà, cấp xe để đi lại và được hưởng nhiều khoản phúc lợi khác. Khi nghỉ việc, công ty yêu cầu vợ chồng tôi phải ký cam kết không được quay trở lại công ty và không được làm việc trong lĩnh vực chế biến ít nhất 5 năm. Biết không còn đường quay lại nên tôi càng cố gắng, quyết tâm trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương".

Mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng

Trở về quê năm 2009, anh Việt mua hơn 5.000 m2 ao nuôi cá không hiệu quả của bà con trong thôn và đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo toàn bộ. Việc làm này của anh bị mọi người trong gia đình phản đối vì khu vực này hoang sơ, người dân nhiều năm nuôi cá không có hiệu quả. Anh Việt đã đem những gì học được áp dụng cho trang trại của mình. Anh nhận thấy trước đây bà con nuôi cá thiếu hiệu quả là do áp dụng theo phương thức cũ, bờ ao bị sụt lún do không được kè và mật độ thả cá thưa. Do đó, anh đầu tư gần 100 triệu đồng để kè toàn bộ bờ ao, mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng. Vụ đầu tiên, anh thả hơn 1 vạn cá rô phi và một số loại cá khác. Cuối vụ, anh thu được 6 tấn cá, lãi hơn 100 triệu đồng, gấp hơn 3 lần so với bà con thu hoạch trước đây. Thành công của anh được ghi nhận, những người nuôi cá ở xung quanh bắt đầu học hỏi và làm theo.

Năm 2012, anh mở rộng diện tích trang trại lên 3 ha. Anh còn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm các máy móc hiện đại như máy sục khí, máy cho ăn tự động, bể lọc nước... Năm 2013, anh tiếp tục mua thêm 5 ha đất ở khu vực đất công điền bỏ hoang của thôn La Xá, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ), xây dựng mô hình ao nổi. Anh Việt tính toán, làm ao nổi giảm nhiều chi phí, dễ làm vệ sinh và cá lớn nhanh hơn so với cá nuôi ở ao thường.

Anh tự xây dựng phần mềm máy tính để quản lý các ao cá. Hằng ngày, công nhân có trách nhiệm báo cáo, nhập số liệu về số lượng cá, dịch bệnh, thức ăn, chi phí khấu hao... Hệ thống này đã giúp anh quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi cá, các khoản thu, chi ngay cả khi anh không có mặt tại trang trại. Anh cho rằng: "Phần lớn các hộ nuôi theo cách truyền thống, không chú ý tới việc ghi chép, thường làm bằng kinh nghiệm nên khi thành công hay thất bại cũng không biết chính xác là do đâu. Vì vậy, bên cạnh việc học hỏi thì ghi chép đầy đủ là một trong những việc làm quan trọng quyết định thành công của bất cứ nghề nào". Có kỹ thuật nuôi nên chưa vụ cá nào anh bị thiệt hại do dịch bệnh, năng suất nuôi đạt từ 14-15 tấn/mẫu ao, giá cá thương phẩm luôn cao hơn so với giá thị trường 10.000 đồng/kg.

Ngoài 3 ha nuôi cá thịt, anh dành 5 ha còn lại để nuôi cá giống cung cấp cho các tỉnh miền Bắc, doanh thu đạt 10 tỷ đồng, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Với cá thương phẩm, mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng hơn 100 tấn, thu lãi từ 1-2 tỷ đồng. Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 20 nhân viên có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 10 nhân viên làm nhiệm vụ khai thác thị trường, còn lại là lao động trong trang trại với thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Anh Việt còn nung nấu ý định xây dựng nhà máy chế biến cá nước ngọt đầu tiên của tỉnh để xuất khẩu cá sang Nhật và một số nước khác. Kế hoạch của anh đang được các cấp chính quyền ủng hộ, nhưng hiện nay đang gặp khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Kỹ sư trẻ giỏi nuôi cá